Ngành du lịch tiến gần mục tiêu đón khách quốc tế

Trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NAM ANH
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NAM ANH

Tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024 sẽ là cơ sở để ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Thậm chí, những kết quả này có thể làm tiền đề cho chúng ta đặt ra mục tiêu cao hơn.

Khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt trước dịch

Thường xuyên đi du lịch trên thế giới, bà Jean Baptiste (người Pháp) cho biết, ngoài thuận lợi về địa lý, khí hậu, nhiều cảnh đẹp, món ăn ngon, người dân thân thiện, thì chính sách thị thực (visa) cởi mở là lý do chính để bà đến Việt Nam du lịch lần thứ hai. “Do đã về hưu, nên tôi có nhiều thời gian đi du lịch. Việt Nam có nhiều nơi để trải nghiệm, lại có chính sách visa kéo dài nên tôi đã quyết định du lịch tại đây”.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Châu Á vẫn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam với gần 5,9 triệu lượt khách, tăng 73,3%. Tiếp đến là châu Âu với hơn 976.000 lượt, tăng 57,1%; châu Mỹ là 460.100 lượt, tăng 16,2%; sau đó là châu Úc và châu Phi lần lượt là 233.100 lượt và 21.600 lượt, tăng 35,5% và 106,6%.

Chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, điểm đến Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet đã đề xuất 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên. Việt Nam góp mặt trong danh sách này với vị trí thứ 5. Giải thưởng Travelers' Choice Awards Best of the Best của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã công bố danh sách 10 bãi biển hàng đầu châu Á. Bãi biển An Bàng xếp vị trí thứ 5 và Mỹ Khê xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng này.

Gần đây nhất, tại lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức ngày 6/3 tại Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc đạt danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023". Hội An giành danh hiệu "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023". Hay, Tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống, có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu. Chi phí sinh hoạt tại Việt Nam được đánh giá là khá rẻ, đặc biệt đối với những người về hưu yêu thích phiêu lưu, khám phá những bãi biển, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa của đất nước.

Bên cạnh đó, du khách có thể xin thị thực dài hạn dành cho người nước ngoài với thủ tục không quá phức tạp. Đặc biệt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ở Việt Nam có giá rất phải chăng ở cả hệ thống công và tư. Hầu hết người nước ngoài đều có bảo hiểm y tế quốc tế và tận dụng các bệnh viện tư nhân.

Tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(VH, TT&DL) Nguyễn Văn Hùng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) cho rằng, xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Ở 2 yếu tố này, Việt Nam xếp hạng 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thailand.

Tuy vậy, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 18 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu khoảng 20 tỷ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi, Thailand đặt mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch quốc tế, đạt 98 tỷ USD, chiếm 12% GDP. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: "Chúng ta có những vướng mắc, hạn chế nào và giải pháp nào để Việt Nam đuổi kịp và vượt Thailand trong thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới?".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, kết quả xếp loại của WEF được công bố năm 2024 là đánh giá có giá trị để chúng ta xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thu thập các số liệu đó vào năm 2022, lúc Việt Nam mới thoát khỏi đại dịch nên số liệu tại thời điểm đó chưa thể như bây giờ. Theo đó, nước ta được xếp hạng là 3,96 điểm, xếp hạng thứ 59/119 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khối ASEAN và xếp sau Thailand. Để nâng cao thứ hạng này, Bộ trưởng đề xuất giải pháp cần giữ cho được các thứ hạng đã được xếp cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn an ninh, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa. Còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, y tế, vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… Bộ VH, TT&DL cũng đã đề xuất với Chính phủ để chỉ đạo việc tập trung cải thiện.

Về hạ tầng du lịch, Bộ không được thẩm quyền quy định đầu tư, không được phép đầu tư mà do địa phương lập dự án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nên mong muốn làm để cải thiện chỉ tiêu. Khi đó xếp hạng sẽ tăng lên, khách sẽ đến.

Còn theo PGS, TS Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch, du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch, với ước tính ban đầu của Tổ chức Du lịch LHQ có thể sẽ tăng 2% so với năm 2019. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Điển hình, Thailand đã thông qua kế hoạch gia hạn chương trình miễn thị thực cho khách du lịch từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) thêm 6 tháng, đồng thời tìm cách thúc đẩy lượng khách du lịch nước ngoài để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Theo đó, du khách có thể ở lại Thailand tối đa 30 ngày với 1 lần nhập cảnh.

Trong phiên họp lần trước, Quốc hội đã cho phép sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh, tạo điều kiện mở cửa tiếp tục thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá và báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, xếp hạng du lịch visa Việt Nam chỉ ở mức trung bình ASEAN. Vì vậy, Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các bộ, ngành tham mưu, thực hiện theo hướng đánh giá tổng thể chính sách visa trên mọi bình diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng visa trong vấn đề xuất, nhập cảnh để hỗ trợ du lịch và các hoạt động khác.

Chính sách thị thực là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Độ mở của visa cũng là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách quốc tế.