Ngăn lạm phát từ việc tăng giá xăng, dầu

Hiện nay các biến số về giá năng lượng, giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu... chính là những nhân tố tiềm ẩn lạm phát. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp ngăn lạm phát từ hệ lụy “té nước theo mưa” theo giá xăng, dầu.
0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ. Ảnh: BẮC SƠN
Giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ. Ảnh: BẮC SƠN

Giá hàng hóa đã “ngấm đòn”

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 kỳ điều chỉnh; trong đó có 15 lần tăng, bảy lần giảm và ba lần giữ nguyên giá. So với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng khoảng 2.200 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 2.700 đồng/lít.

Điều đáng nói, giá xăng RON95 đã tăng liên tiếp sáu lần, tương ứng mức tăng khoảng 3.440 đồng/lít (tương đương 16%). Giá xăng E5 RON92 tăng liên tiếp 5 lần, cao hơn 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 14,6%). Giá dầu diesel đắt thêm hơn 4.000 đồng/lít (tương đương 21,5%) chỉ trong vòng hơn một tháng nay.

Đây là xu hướng tăng mạnh, trong khi diễn biến giá xăng, dầu không biến động bất thường. Điều này được các chuyên gia cho rằng, sẽ tác động đáng kể đến kinh tế, nhất là thời điểm cuối năm khi hàng hóa đua nhau tăng giá.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, giá xăng, dầu chỉ dao động trong khoảng từ 19.000-22.000 đồng, mức giá này không vượt quá “sức chịu đựng” của người dân và doanh nghiệp. Còn khi giá xăng hơn 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết.

Báo cáo tháng 8/2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,48%, tác động tăng 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.

Đặc biệt, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước vào các đợt: 1/8, 11/8 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezel tăng 15,9%.

“Có thể thấy, giá xăng tăng liên tiếp trong trong ba kỳ điều hành của tháng 8 đã tác động nhất định đến giá cả thị trường”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Phía người tiêu dùng cũng cảm nhận rõ những tác động của giá xăng lên đời sống hằng ngày.

Chị Nguyễn Thị Yến, một công nhân vệ sinh khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bất ngờ khi quán cơm quen trên đường Nguyễn Phong Sắc tăng thêm 3.000-5.000 đồng/suất.

“Không chỉ cơm mà nhiều quán ăn bình dân khác trong khu vực cũng đã dán bảng tăng giá bán. Thí dụ như phở, bún tăng lên 5.000-7.000 đồng/tô so với trước đó”, chị Yến cho hay.

Anh Mạnh, một hộ dân ở Thụy Lâm (Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) than thở: Giá xăng, giá gạo, giá gas tăng rất mạnh trong thời gian qua; giá dầu ăn cũng tăng 4.000-5.000 đồng/lít; giá đường cát trắng và đồ gia vị đều tăng cao… khiến việc chi tiêu của gia đình cũng bắt đầu căng thẳng”.

Chị Võ Thị Hằng, chủ một shop bán hàng trực tuyến cho biết, mỗi ngày bán hàng trăm đơn hàng, nhưng giá cước tăng mỗi đơn từ 3.000-8.000 đồng, ước tính mất thêm hàng triệu đồng mỗi ngày.

Các loại rau, củ, quả cũng đã đồng loạt tăng giá từ 2.000-5.000 đồng, tùy từng khu chợ ở Hà Nội. Nguyên nhân được ghi nhận là do thời tiết khắc nghiệt, giá xăng, dầu tăng, kéo theo các chi phí như: Vận chuyển, bảo quản, nhân công... đẩy giá thành sản phẩm lên theo.

Cẩn trọng lạm phát

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng, dầu trong nước tăng sẽ làm cho nguồn thu từ các loại thuế, phí của kinh doanh xăng, dầu tăng theo, giúp nguồn thu ngân sách tăng và suy cho cùng là chúng ta có thêm nguồn lực để đầu tư phục hồi kinh tế phát triển. Tuy nhiên, song hành với đó, cũng gây ra những bất lợi cho nền kinh tế.

Cụ thể, tác động bao trùm nhất là đối với tăng trưởng kinh tế (GDP). Theo tính toán của một chuyên gia thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Mức tăng giá xăng, dầu hiện nay tác động khá lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu này, như ngành vận tải và ngành thủy sản. Còn đối với tiêu dùng của các hộ gia đình, xăng, dầu lên giá không chỉ tăng thêm chi phí cho việc đi lại hằng ngày, mà còn gây nên bất lợi kép khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng.

Những tác động bất lợi trên, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, không hề nhỏ, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đối phó nhằm giảm những tác động bất lợi.

Chuyên gia Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu... chính là những nhân tố tiềm ẩn, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ lạm phát.

Về giải pháp, trước hết, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên bộ Công thương - Tài chính cần chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu để “ngăn” đà tăng của giá xăng, bởi hiện nay, Quỹ bình ổn có số dư khá lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng, dầu để điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp thực tế trong nước. Tăng cường kiểm soát các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng, dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải, cũng như làm “đội” chi phí vận hành của các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp sử dụng dầu diesel. Điều này sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.

Theo vị chuyên gia này, để hạn chế tác động từ giá xăng, dầu tăng, cơ quan quản lý cần chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng giá cả “ăn theo” giá xăng, mà thậm chí còn tăng mạnh hơn giá xăng.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nêu quan điểm, hiện giá xăng tăng chưa phản ánh vào chỉ số giá vì có độ trễ. Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát tiềm ẩn vì đà tăng giá lương thực đã có xu hướng xuất hiện.

“Để tránh tác động của lạm phát từ việc giá xăng, dầu tăng thì trong thời gian tới, Nhà nước có lẽ cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, tương tự năm 2022. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng, đặt hàng sớm khi giá còn chưa tăng cũng như tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng”, vị chuyên gia nhận định.