Tại các cuộc hội nghị kết nối NH và DN gần đây, hầu hết các DN đều cho rằng, dù NHNN ban hành nhiều giải pháp gỡ khó cho DN, song hiện nay lãi suất vẫn còn cao so khó khăn họ đang phải đối diện. Bên cạnh đó, các thủ tục, hồ sơ xét duyệt vay vốn chưa phù hợp điều kiện của DN. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều DN muốn vay vốn nhưng chưa “với tới”. Việc hỗ trợ DN tồn tại, duy trì sản xuất là việc làm đòi hỏi có được sự đồng hành, sẻ chia, tình cảm của NH. Ngoài việc giãn các khoản nợ sẽ có thêm những cơ cấu khoản vay mới cho DN để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, các DN mong muốn NHNN có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN bằng cách giảm lãi vay cho DN.
Theo nhiều chuyên gia, từ những kiến nghị của các DN có thể thấy, tăng trưởng tín dụng (TTTD) tăng trưởng thấp không phải do cầu yếu, mà là do DN chưa đáp ứng được quy định của NH và lãi suất còn cao khiến DN không dám vay vốn.
Đề cập việc NH có vốn, sẵn sàng cho vay nhưng chưa thể triển khai, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VPSB) cho biết, NHNN và VPSB đã chuẩn bị sẵn sàng về thủ tục, quy trình, nguồn vốn để triển khai Quyết định 15/2020/QĐ-TTg (QĐ 15) của Thủ tướng Chính phủ trong việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, điều kiện, đối tượng vay là do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, ban hành. Đến nay, vẫn chưa có khoản vay nào được giải ngân theo QĐ 15.
Tại cuộc họp báo về tình hình kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng đầu năm 2020, đại diện NHNN cho biết, từ đầu năm, NHNN đã điều chỉnh giảm hai lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29-5-2020, tín dụng tăng 1,96% so cuối năm 2019.
Đặc biệt, về tình hình triển khai Thông tư 01 của NHNN, đến ngày 25-5, các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so trước dịch Covid-19. Riêng VPSB đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.
Mặt khác, một trong những thách thức lớn với hệ thống NH năm nay là vấn đề nợ xấu, theo Phó Chánh Thanh tra Giám sát NHNN Trần Đăng Phi, mặc dù tình hình nợ xấu được cải thiện trong những năm qua, song khi dịch xảy ra, hệ thống NH không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Mặc dù chất lượng nợ xấu nội bảng hiện vẫn duy trì dưới mức 2%, song nợ xấu tiềm ẩn, có tính đến tác động của dịch Covid-19 thì có chiều hướng cao hơn, cho dù đã được áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ…
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nếu không có dịch bệnh xảy ra, ngành NH trên con đường đạt mục tiêu đưa nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu ngoại bảng, về dưới tỷ lệ 3%. Tuy nhiên, dịch xảy ra đã đặt ra thách thức cho ngành NH trong xử lý nợ xấu. Hiện tại, NHNN đang theo dõi, phân tích kỹ lưỡng tình hình để đưa ra các kịch bản hợp lý, bảo đảm ổn định vĩ mô, tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu NH.
Liên quan tình hình TTTD thấp trong sáu tháng đầu năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ thống NH chỉ mong muốn có khách hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay được. Từ khi dịch xảy ra đến nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nên nhu cầu vay vốn giảm, tuy nhiên, khi tác động của đại dịch giảm dần, nhu cầu tín dụng có thể sẽ tăng trở lại. Chỉ tiêu TTTD là chỉ tiêu trung gian, định hướng, không phải là chỉ tiêu pháp lý. Đến nay, có những NH tăng trưởng âm (-), nhiều NH tăng trưởng thấp và cũng có NH đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng.
Thực tế, về kiến nghị hạ tiêu chuẩn cho vay, trong các cuộc hội nghị, đối thoại gần đây, lãnh đạo NHNN đều đã nêu rõ quan điểm: Tiếp tục cắt giảm TTHC để tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, DN nhưng không được hạ tiêu chuẩn cho vay, tránh hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nêu rõ, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống NH có an toàn, lành mạnh thì mới bảo đảm hỗ trợ cho nền kinh tế. Để thúc đẩy TTTD trong thời gian tới, bên cạnh chính sách hỗ trợ về tiền tệ, cần song hành cùng chính sách tài khóa, thương mại, kích cầu và thúc đẩy đầu tư công… tạo nguồn lực cộng hưởng và lan tỏa hỗ trợ hướng phục hồi.