Ngăn chặn việc mua - bán sắc phong

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến việc một số sắc phong được cho là có xuất xứ từ Việt Nam đang chuẩn bị được bán đấu giá ở nước ngoài. Các thông tin về nguồn gốc, đặc điểm những cổ vật trên đang được xác minh và ngành văn hóa đặt mục tiêu hồi hương cổ vật theo con đường ngoại giao văn hóa. Động thái tích cực này của cơ quan chức năng hy vọng sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời với những diễn biến của sự việc.
0:00 / 0:00
0:00

Có thể nói, sắc phong là một loại cổ vật, là di sản vật thể rất đặc thù. Theo những phân tích chuyên môn, sắc phong được vua ban xuống cho các vị thành hoàng, các bậc thần thánh ở những làng, thôn cụ thể và được lưu giữ ở đình làng. Như vậy, đây là những văn bản có tính quan phương, sử dụng trong bộ máy hành chính - từ cấp trung ương gửi xuống cơ sở trong thời phong kiến. Và những bản sắc ấy thuộc sở hữu cộng đồng, được lưu giữ trong “ngôi nhà chung” - đình làng.

Những biến động thời cuộc, nạn trộm cắp cổ vật nói chung, và việc mua - bán, trao đổi cổ vật biến sắc phong thành những món đồ nằm trong sưu tập tư nhân. Cho đến hôm nay, rất nhiều sắc phong đang nằm trong tay các nhà sưu tập, những người mê và chơi sắc phong, đang được tìm kiếm, giới thiệu, trao đổi, mua - bán. Phải nói rằng, đây là một vấn đề khá tế nhị và khó xử lý, giải quyết trong hoàn cảnh hiện tại. Thời gian qua, đã có một số nhân sĩ, người đang giữ sắc phong phát tâm công đức, dâng tặng lại sắc phong cho những địa phương từng bị mất mát, thất lạc. Đó là việc là thiện nguyện văn hóa đáng quý!

Tuy nhiên, tình trạng mất cắp sắc phong nói riêng, cổ vật nói chung vẫn diễn ra. Và giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhiều hơn những biện pháp đi từ gốc của thực trạng. Khác với những món đồ sinh hoạt hay đồ vật mang tính tâm linh được sử dụng trong các tư gia, thì việc người ta tặng, bán, trao đổi qua nhiều thế hệ cũng là thông thường, sắc phong với đặc thù của nó, cần và xứng đáng thuộc về một địa danh, cộng đồng cụ thể vốn đã được ghi trong chính bản sắc đó.

Vì thế, rất cần những hành động rộng lớn và mạnh mẽ hơn của ngành văn hóa, trong việc phát động phong trào thiện nguyện văn hóa - dâng trả sắc phong từ những sưu tập tư nhân về với các cộng đồng, những ngôi đình và có những cách thức bảo quản hiệu quả, bảo vệ chặt chẽ. Đương nhiên, cần trân trọng, tôn vinh về mặt tinh thần những người có tấm lòng thiện nguyện văn hóa.

Sâu hơn, cần sự phối hợp giữa ngành văn hóa và an ninh, xây dựng cơ chế, chế tài trong việc cấm mua - bán sắc phong. Việc trộm cắp đương nhiên là phạm pháp và cần được tích cực điều tra, phát hiện, xử lý theo luật hiện hành. Nhưng việc mua - bán cũng chính là tiếp tay cho hành động trộm cắp đó. Và khi còn có “cầu”, thì ắt sẽ có “cung”. Nếu ngăn được việc mua - bán thì sẽ hạn chế được nạn trộm cắp sắc phong. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để những người yêu thích sắc phong hiểu rằng, không nên tìm cách sở hữu những di sản được các vị vua ban cho những bậc thánh thần ở một thôn, làng vốn là niềm tự hào và thuộc về cả cộng đồng, tốt nhất là để cộng đồng cư dân ở đó tiếp tục giữ gìn niềm vinh dự mà cha ông họ đã từng đón nhận.