Ngăn chặn tàu giã cào

Thời gian qua, ngư dân ở các xã bãi ngang huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hết sức lo ngại  tình trạng tàu giã cào ngang nhiên khai thác hải sản ven bờ theo kiểu tận diệt. Không chỉ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, không ít ngư dân còn bị mất thuyền, mất ngư lưới cụ và còn đe dọa tính mạng khi gặp những con tàu kiểu này. 

Bắt giữ hai tàu giã cào ở vùng biển Nghi Lộc.
Bắt giữ hai tàu giã cào ở vùng biển Nghi Lộc.

Không sợ dông bão, chỉ sợ giã cào

Rạng sáng 20/9, thuyền ông Hoàng Văn Liêm, xóm Trung Thắng, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) đang thả neo, lên đèn câu mực cách bờ khoảng 3 km thì  thấy tàu giã cào đang lao về hướng mình. Ông liên tục nháy đèn báo hiệu, nhưng tàu giã cào không chuyển hướng tránh và đã đâm vào thuyền câu. Trong giây lát, con thuyền lật úp và chìm nghỉm xuống nước, ông Liêm may mắn văng ra ngoài. Dưới nước, ông Liêm ra sức kêu cứu, nhưng tàu giã trên vẫn bỏ chạy mặc nạn nhân chới với dưới nước. Ông Liêm may mắn được thuyền bạn đến cứu. “Chiếc cần câu cơm” của gia đình ông Liêm gồm con thuyền máy cùng ngư cụ đã mất tích ở đáy biển bởi  tàu giã cào. 

Trước khi huyện Nghi Lộc thực hiện Chỉ thị 15, 16 phòng, chống Covid-19, chúng tôi gặp các ngư dân xã bãi ngang Nghi Tiến đang chuẩn bị chài lưới cho chuyến ra khơi. Khi nhắc đến tàu giã cào, những ngư dân đều lắc đầu gọi những con tàu đó là “hung thần” trên biển. 

Tương tự như ông Liêm, ngư dân Nguyễn Trung Hoàn (46 tuổi), xóm Tiền Phong vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại lần thoát chết khi bị tàu giã cào kéo chìm thuyền trong đêm tối: “Nửa đêm 5/8, khi đang câu mực cách bờ vài km, bất ngờ thấy đôi tàu giã cào lao tới, kéo hết lưới rồi cuốn cả chiếc thuyền thúng đi theo. Mặc dù tôi dùng đèn pin ra hiệu nhưng tàu giã vẫn chạy, kéo được vài trăm mét thì thuyền thúng bị lật chìm, tôi may nắm túm được dây kéo lưới tàu giã, thoát chết. Rất may, các bạn thuyền câu mực gần đó phát hiện và kịp thời hỗ trợ. Với thâm niên đi biển gần 30 năm, từng đánh cá ở vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa…, tôi không sợ sóng gió, dông bão nhưng chỉ ngán mỗi giã cào ở quê mình!”, anh Hoàn bức xúc. 

Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến Nguyễn Bằng Phi cho biết: Nhiều lần, chúng tôi phát hiện tàu giã đang đánh sát bờ, đã điện cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy nhưng được ít hôm, sau đâu lại vào đấy… Đây là những câu chuyện về nạn “hung thần” giã cào hoành hành trên vùng biển ngang Nghi Lộc mà chúng tôi được chứng kiến, được những nạn nhân tàu giã cào gây ra kể trong sự bức xúc, lo sợ... Ngư dân còn cung cấp cả video clip những lần giáp mặt hay đụng độ trên biển với giã cào.

Ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt 

Giã cào là những tàu to, máy lớn khai thác sai ngư trường. Họ lại sử dụng lưới cào, mắt lưới nhỏ, đánh theo kiểu tận diệt và sử dụng cả kích điện, ngư cụ cấm… làm cho nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ ngày một cạn kiệt. Ngư dân còn phải đối mặt với tình trạng mất “cần câu cơm”. Đã không ít ngư dân ở vùng biển này bỏ nghề cha truyền, con nối lên bờ tìm kiếm công việc khác. 

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy, từ đầu năm đến tháng 9, Chi cục đã chủ trì phối hợp các đồn biên phòng tuyến biển và các lực lượng khác tiến hành nhiều đợt, nhiều ngày tuần tra, kiểm soát trên biển, trên cửa lạch, bãi ngang nhằm giám sát và chống các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU). Qua tuần tra đã phát hiện và xử lý 244 vụ việc, 244 lượt tàu, 244 đối tượng vi phạm liên quan đến khai thác thủy sản ven bờ, xử phạt với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong số này, có 56 tàu trong tỉnh và 19 tàu ngoài tỉnh (Quảng Ngãi, Thanh Hóa) vi phạm. 

Tuy nhiên, tàu giã cào đối phó ngành chức năng của tỉnh như cuộc chơi ú tim. Đó là một số tàu cá của ngư dân huyện Diễn Châu và ngoài tỉnh sử dụng giã cào để khai thác hải sản trên vùng ven bờ biển Nghệ An. Đặc biệt vào ban đêm, hoặc vào thời điểm không có sự hiện diện của kiểm ngư và các cơ quan chức năng khác trên biển. Đó là chưa nói đến phương tiện tuần tra của lực lượng kiểm ngư đã cũ, hay hư hỏng, lực lượng mỏng và kinh phí thiếu… 

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, giải pháp dẹp tình trạng nạn tàu giã cào. Đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương ven biển tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác (IUU) và tổ chức cho ngư dân ký cam kết thực hiện các quy định về IUU… Tỉnh yêu cầu các cơ quan phối hợp làm tốt việc kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cửa lạch, cảng cá; tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác tuần tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên vùng biển Nghệ An…