Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

Trong khi tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp với số ca tăng cao, mới đây, TP Hồ Chí Minh ghi nhận vài ca nhiễm biến thể phụ của chủng Omicron từ sàng lọc ngẫu nhiên. Thành phố đang vào cuộc rốt ráo với nhiều giải pháp quyết liệt và đưa ra loạt kịch bản dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ “dịch chồng dịch”.
0:00 / 0:00
0:00
Quận Bình Thạnh tổ chức đa dạng mô hình tiêm chủng để người dân hạn chế thấp nhất việc di chuyển.
Quận Bình Thạnh tổ chức đa dạng mô hình tiêm chủng để người dân hạn chế thấp nhất việc di chuyển.

Áp lực tăng dần

Đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc SXH (tăng hơn 200% so cùng kỳ năm ngoái). Nếu như trước đây, mỗi năm thành phố ghi nhận tầm 8-9 ca tử vong do SXH thì năm nay chỉ mới đầu mùa dịch đã có hơn 10 trường hợp không qua khỏi. Thành phố đã xuất hiện tuýp huyết thanh D2 - chủng gây bệnh nặng, song song với tuýp huyết thanh D1 đang lưu hành.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian gần đây, tình hình SXH diễn biến ngày càng phức tạp. Liên tục mấy tuần liền thành phố ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị SXH tăng mạnh. Theo dự báo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những tháng còn lại của năm 2022, khi vào cao điểm mùa mưa, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng. Kéo theo đó là số ca nặng, tử vong nếu không quyết liệt hơn nữa trong việc phòng bệnh ngay từ bây giờ.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng tỏ ra lo lắng khi cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch” ở thành phố trong giai đoạn tới. Theo ông Thượng, tình hình SXH bùng phát mạnh như hiện nay thật sự rất đáng báo động. Càng đáng lo hơn khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại với những biến thể phụ của chủng Omicron là BA.4, BA.5. Số ca F0 mới ở tại TP Hồ Chí Minh cũng đang có xu hướng tăng nhẹ. Nếu như tháng trước dưới 30 ca/ngày thì hiện nay ghi nhận hơn 50 ca/ngày.

Từ đầu tháng 6 đến nay, cán bộ, nhân viên tại các trung tâm y tế cơ sở và chính quyền địa phương, các đoàn, hội luôn trong tình trạng làm việc hết công suất để tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng dịch SXH, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động vệ sinh nhà cửa, diệt loăng quăng. Cùng với đó là việc tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm nhắc, tiêm bổ sung mũi ba, mũi bốn vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số người dân hoàn thành mũi bốn còn chiếm tỷ lệ thấp. Lý do chủ yếu được đưa ra là nhiều người còn ngại tiêm mũi nhắc.

Tại quận Bình Tân, địa phương có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 rất cao trong đợt bùng phát dịch dữ dội vào năm 2021, đến nay, số người tiêm mũi bốn vẫn rất thấp. Trong số hơn 1,6 triệu mũi vaccine phòng Covid-19 quận này đã tiêm cho người dân, tỷ lệ tiêm mũi bốn chỉ đạt khoảng 6% (gần 35 nghìn người). Đối tượng tiêm mũi bốn là người hơn 50 tuổi, người suy giảm miễn dịch, lực lượng tuyến đầu, công nhân, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp.

Còn tại quận Bình Thạnh, dù đã tổ chức tiêm vaccine hơn một tháng nay nhưng chỉ gần 10 ngày trở lại đây, khi xuất hiện biến thể mới, số lượng người dân đến tiêm mũi bốn mới tăng nhanh. Số liệu thống kê của quận này cho thấy, trong khi tỷ lệ người dân tiêm mũi ba đến thời điểm hiện tại đạt gần 70% ở nhóm hơn 18 tuổi và gần 80% ở nhóm hơn 50 tuổi thì với mũi bốn, tỷ lệ này lần lượt là khoảng 8% và 15%.

Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch ảnh 1

Phun hóa chất dập ổ dịch.

Cần người dân chung tay

Ngay sau khi nhận được thông báo từ ban quản lý chung cư đang ở, cuối tuần qua, anh Huỳnh Văn Thiện Thập đã tới Trung tâm Y tế phường 26, quận Bình Thạnh để khám sàng lọc và tiêm vaccine mũi bốn. Đến nơi, sau khi điền phiếu thông tin theo hướng dẫn, anh Thập được khám sàng lọc và tiêm vaccine theo nguyện vọng. Các khâu thực hiện rất nhanh, thông tin rõ ràng và có người hướng dẫn cụ thể sau tiêm. “Tôi làm nghề giao nhận hàng nên tiếp xúc rất nhiều người. Khi nghe địa phương tổ chức tiêm mũi bốn, tôi đăng ký tiêm sớm để an tâm hơn. Biết là giờ phải sống chung với dịch nhưng cứ phải kỹ chứ dính F0 nữa cũng mệt mỏi lắm. Phòng cho mình, phòng cho cộng đồng luôn”, anh Thập cho hay.

Phường 26 được quận Bình Thạnh đánh giá cao về công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm nhắc vaccine phòng dịch. Lan tỏa mạng lưới kết nối đến từng khu phố thông qua hệ thống mạng xã hội là cách mà địa phương này đã chọn để truyền tải thông tin, đưa ra các hướng dẫn, thông báo khi cần. Ông Hồ Minh Hoàng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, ngay khi nhận các thông báo, chỉ đạo từ cấp trên, đơn vị lập tức lọc thông tin và biên soạn lại rồi gửi liền vào từng nhóm trò chuyện liên kết đến 5 khu chung cư, hệ thống trường học, tổ dân phố - khu phố cùng các bên liên quan. Thông tin từ cơ sở cũng thường xuyên được cập nhật qua mạng lưới này. Nhờ vậy, thông tin thông suốt, công khai và lan tỏa nhanh đến từng hộ dân. “Mỗi ngày tôi tương tác với cả chục nhóm trò chuyện trực tiếp trên Zalo để giám sát tình hình, tiến độ công việc và thực hiện các báo cáo cần thiết. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp chúng tôi sâu sát hơn trong công tác giám sát, kiểm tra và kịp thời xử lý nhiều tình huống phát sinh. Như hôm bữa nghe dân báo có trường hợp SXH tại địa phương, tôi lập tức cho xác minh và báo lại ngay. Dân cần là mình trả lời liền, làm liền. Với việc tiêm vaccine cũng vậy, phải liên tục tuyên truyền thì người dân mới khẩn trương đi tiêm”, ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

Nhằm tăng tỷ lệ phủ vaccine mũi bốn trong dân, bên cạnh việc đẩy mạnh các kênh truyền thông đến từng ngõ như cho phát loa di động trên từng tuyến đường, phát tờ rơi, tư vấn tại nhà… quận Bình Thạnh còn chú trọng việc “lọc ảo” danh sách tiêm và công bố rộng rãi thông tin từ cơ sở để mọi người dân biết rõ khi cần tiêm vaccine thì đến đâu, khung giờ nào. Tổ trưởng dân phố tiếp tục nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hộ gia đình đi tiêm mũi cơ bản, mũi bổ sung, mũi nhắc cho đúng lịch tại các điểm tiêm đã công bố. Bên cạnh 22 điểm tiêm cố định, quận Bình Thạnh bổ sung thêm 20 điểm tiêm lưu động của 20 trạm y tế xuống từng khu phố cùng bốn điểm tiêm ở các bệnh viện trên địa bàn và một điểm tiêm ở Bến xe Miền Đông giúp hạn chế việc di chuyển của người dân. Những trường hợp đặc biệt không thể di chuyển sẽ được bố trí tiêm vaccine tại nhà. Thời gian tiêm được kéo dài suốt tuần, cả hai buổi sáng chiều để người dân tiện sắp xếp.

Khẳng định không thiếu vaccine và đang thực hiện đợt tiêm chủng cao điểm với khoảng 50 nghìn lượt/ngày, ngành y tế TP Hồ Chí Minh còn yêu cầu các quận, huyện có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp số ca F0 tăng cao trở lại. Thành phố đã chuẩn bị các phương án dự phòng và cả kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Trong đó tập trung vào nhóm nguy cơ.

Việc tuyên truyền, đôn đốc người dân phòng dịch SXH cũng khẩn trương không kém khi mà TP Thủ Đức và những quận, huyện còn lại đều ra quân nhiều đội hình phục vụ công tác này. Các địa phương đang nỗ lực dập ổ dịch, kêu gọi người dân chủ động có biện pháp phòng ngừa, theo dõi sức khỏe và nhận biết các triệu chứng để phát hiện kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh. Ứng dụng “Y tế trực tuyến” của TP Hồ Chí Minh vừa bổ sung mục phản ánh các địa chỉ nguy cơ bùng dịch bệnh SXH. Sở Y tế Thành phố kêu gọi người dân phản ánh những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh SXH bằng cách chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ loăng quăng. Khi nhận được phản ánh, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin phản ánh của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.

Thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn để kịp thời gỡ khó, nhắc nhở, đôn đốc các địa phương, đặc biệt là những khu vực nguy cơ cao như nhiều kênh rạch, khu trọ xuống cấp… Nỗ lực là vậy nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác phòng dịch Covid-19 và SXH cần được triển khai một cách quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ hơn. Trong đó chú trọng khâu tuyên truyền để người dân cùng chung tay. Việc phòng dịch SXH phải xuất phát từ hành động của mỗi cá nhân, hộ gia đình chứ không đợi đến khi có dịch mới lo xử lý. Tại cuộc họp mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đã cảnh báo vấn đề này. Theo đó, ông đề nghị các cấp phải ra quân quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch SXH cũng như Covid-19. Vì nếu để dịch chồng dịch thì nguy cơ quá tải hệ thống y tế là hiện hữu, nguy cơ đứt gãy hệ thống y tế là khó tránh khỏi.