Trước đó, Tổng thống V.Putin đã có cuộc điện đàm lần đầu với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó hai nhà lãnh đạo đạt “nhất trí về nguyên tắc” nhằm gia hạn 5 năm đối với New START. Điện Kremlin ra tuyên bố xác nhận, hai bên hài lòng về việc tiếp tục thực thi Hiệp ước; trong những ngày tới, hai nước sẽ hoàn tất các thủ tục cần thiết, bảo đảm cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả trong việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
Trong cuộc điện đàm mà Điện Kremlin đánh giá là cởi mở và hiệu quả, hai Tổng thống cũng thảo luận việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Tổng thống V.Putin nhấn mạnh, việc hai nước bình thường hóa quan hệ song phương đáp ứng lợi ích của cả hai bên và cộng đồng quốc tế, thể hiện trách nhiệm đặc biệt đối với nỗ lực duy trì an ninh và ổn định toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo đề cập khả năng hợp tác Nga - Mỹ về kinh tế, thương mại và phối hợp trong cuộc chiến chống Covid-19.
Về các vấn đề quốc tế, hai bên trao đổi quan điểm về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), về nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vấn đề Ukraine và cả sáng kiến của Nga về tổ chức Hội nghị cấp cao các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Liên quan tiến trình phê duyệt gia hạn New START, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho biết, cơ quan lập pháp này sẽ xem xét dự luật do Tổng thống trình trong ngày 27-1. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cũng xác nhận, Thượng viện sẽ nhanh chóng thông qua việc gia hạn New START. Giới lập pháp Nga hy vọng, quyết định gia hạn Hiệp ước sẽ khởi đầu giai đoạn hợp tác mới giữa Moscow với chính quyền mới ở Mỹ.
Được Nga và Mỹ thực thi từ năm 2011 và hết hiệu lực vào ngày 5-2 tới, New START là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất hiện nay về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước. Việc kéo dài thực thi New START có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm sự cân bằng chiến lược và thúc đẩy lòng tin giữa hai nước, góp phần củng cố an ninh quốc tế.