Nga, Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng

Moscow và Bắc Kinh vừa ký kết khoảng 20 thỏa thuận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh năng lượng Nga-Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị về năng lượng và các lĩnh vực liên quan, bao gồm công nghệ, cung cấp thiết bị và tài trợ dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm ở Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: SPUTNIK
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm ở Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: SPUTNIK

Ký kết 20 hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí

Diễn đàn Kinh doanh năng lượng Nga-Trung Quốc lần thứ 5 nhằm mở ra cuộc đối thoại trực tiếp mang tính xây dựng giữa đại diện các cơ quan chính phủ liên quan, giới doanh nghiệp và chuyên gia hai nước. Tổng cộng khoảng 500 đại biểu tham dự các sự kiện của diễn đàn, bao gồm các chính trị gia, đại diện của hơn 100 doanh nghiệp lớn nhất của Nga và Trung Quốc trong các ngành công nghiệp khác nhau, các nhà khoa học và chuyên gia. Theo người đứng đầu Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, ông Igor Sechin, các doanh nghiệp tham gia diễn đàn chiếm tổng cộng hơn 45% thương mại giữa Nga và Trung Quốc.

Theo Reuters, tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường đã đưa ra ba đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác năng lượng. Theo đó, hai nước cần tiếp tục tích cực phát triển các liên kết cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển ít carbon, bảo đảm tính liên kết của thị trường năng lượng toàn cầu.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong phát biểu khai mạc diễn đàn cho biết, Nga nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc tăng nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Theo ông Novak, xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc năm 2023 tăng 17% so cùng kỳ năm 2022.

Trong thông điệp gửi đến diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực, trong đó một trong những nhân tố chính của mối quan hệ này là hợp tác năng lượng ngày càng đa chiều. Theo ông, các dự án song phương lớn trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đang được triển khai nhất quán. Hai bên cũng đang phối hợp phát triển đổi mới công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất, bảo đảm an ninh môi trường.

Trong thư chúc mừng gửi đến diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong những năm qua, hai nước đã hình thành mô hình hợp tác năng lượng sâu rộng và toàn diện. Đây là thí dụ điển hình về hợp tác thực tế giữa Trung Quốc và Nga dựa trên sự bình đẳng và cùng có lợi, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho hai nước. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi công nghiệp năng lượng và chuỗi cung ứng, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho phát triển lâu dài và bền vững thị trường năng lượng toàn cầu, cũng như tăng cường hợp tác về năng lượng sạch.

Sẵn sàng nâng cấp quan hệ song phương

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc trong 10 năm qua. Ông Tập Cận Bình cho biết, lòng tin chính trị giữa hai nước đang ngày một sâu sắc hơn, hai bên đã duy trì hợp tác chiến lược mật thiết và hiệu quả, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao lịch sử, hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD đã đặt ra. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nga tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc là rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 190 tỷ USD trong năm 2022.

Không chỉ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Nga và Trung Quốc còn lập quỹ đầu tư chung vào ngành công nghiệp máy bay. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo, nước này cùng với Trung Quốc sẽ lập một quỹ đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ USD. Ngoài lĩnh vực hàng không dân dụng, quỹ sẽ đầu tư vào các dự án hàng không vũ trụ, công nghệ kỹ thuật số và tiết kiệm năng lượng cũng như dữ liệu lớn. Dự án máy bay thân rộng tầm xa Nga-Trung, được cho là sẽ cạnh tranh với máy bay chở khách A330 và Boeing 777, bắt đầu vào tháng 4/2014.