Nga, Mỹ cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước
Trước đó, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố Nga đình chỉ việc tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này. Ngay sau đó, Quốc hội Nga cũng thông qua dự luật tạm ngừng tham gia New START. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ đã “phá hủy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước New START khi không cho phép Mỹ tiến hành hoạt động thanh sát và từ chối cuộc gặp với Washington để thảo luận việc tuân thủ hiệp ước này. Tuy nhiên, bình luận về cáo buộc của Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev khẳng định, Washington là bên đầu tiên vi phạm để có thể đơn phương thực hiện quyền thanh sát.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược đã được triển khai; 800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai. Mỗi năm, Moscow và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.
Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga, trong đó có Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ thực thi đầy đủ Hiệp ước New START. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ khẳng định, lập trường của LHQ là Mỹ và Nga cần nối lại không chậm trễ việc thực hiện đầy đủ New START. Ông nhấn mạnh: “Hiệp ước New START và các hiệp ước song phương kế tiếp về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế”.
Ảnh: POLITICO |
Ngày 1/3, trả lời phỏng vấn của báo Izvestia, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov (trong ảnh) tuyên bố, Nga chưa thể nối lại việc tham gia Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) chừng nào phương Tây vẫn phớt lờ những mối quan ngại về an ninh của Moscow.
Theo ông Peskov, sau khi Nga quyết định tạm ngừng tham gia New START, phương Tây vẫn không quan tâm đến các mối quan ngại của nước này. Theo ông, các nước phương Tây cần thay đổi cách tiếp cận đối với mối quan ngại an ninh của Nga để Moscow có thể tham gia trở lại New START.
Khi được hỏi về nguyên nhân Moscow tạm ngừng tham gia New START, ông Peskov nêu rõ tình hình đối với Nga hiện đã thay đổi đáng kể so thời điểm hiệp ước này được thông qua. Theo ông, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên thực tế đã trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine khi liên minh quân sự này đang cung cấp vũ khí cho Kiev.
Căng thẳng leo thang
Không chỉ bất đồng về Hiệp ước New START, căng thẳng giữa Nga và Mỹ còn lan sang nhiều lĩnh vực khác. Nhà trắng thông báo từ ngày 10/3 tới, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu 200% đối với nhôm và các sản phẩm từ nhôm của Nga và từ ngày 10/4 tới, Mỹ sẽ áp thuế 200% đối với nhôm nhập khẩu với mọi lượng nhôm sơ cấp được đúc tại Nga.
Trước đó, Mỹ cũng tăng cường trừng phạt nhằm vào các ngành ngân hàng, khai thác mỏ và công nghiệp quốc phòng của Nga. Nhà trắng cho biết, gói trừng phạt mới sẽ áp dụng với hơn 200 cá nhân và gần 90 doanh nghiệp Nga và nước thứ ba. Trong số những đối tượng chịu các biện pháp trừng phạt mới, sẽ có hàng chục tổ chức tài chính của Nga. Động thái này sẽ dẫn đến việc tăng thuế đối với hơn 100 sản phẩm kim loại, khoáng sản và hóa chất của Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD.
Không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 với Moscow. Nhật Bản quyết định bổ sung thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga vào danh sách trừng phạt. Anh tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt đối với 92 cá nhân và tổ chức của Nga trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và ngân hàng. New Zealand công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào 87 cá nhân người Nga…
Điện Kremlin đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, khẳng định tất cả những biện pháp này đều rất “vô lý”. Ông Peskov cho rằng, các nước phương Tây đang cố tìm thêm các cá nhân và thực thể không liên quan vào danh sách bị trừng phạt.