NATO củng cố liên minh, mở rộng đối tác

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra tại Mỹ, đánh dấu mốc kỷ niệm 75 năm thành lập khối đồng minh quân sự xuyên đại dương. Chủ đề thảo luận chính tại hội nghị là củng cố sức mạnh của liên minh thông qua tăng cường răn đe và phòng thủ, hỗ trợ Ukraine và mở rộng quan hệ đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh ở Thủ đô Washington D.C. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị thượng đỉnh ở Thủ đô Washington D.C. Ảnh: AP

Củng cố sức mạnh quân sự

Các nhà lãnh đạo 32 thành viên cùng đại diện nhiều nước đồng minh và đối tác của NATO đã tham dự hội nghị diễn ra tại Thủ đô Washington D.C, nơi ký kết thỏa thuận thành lập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương năm 1949. Trong bối cảnh NATO đối mặt nhiều thách thức, cả về an ninh lẫn hợp tác của khối, hội nghị nêu bật mục tiêu củng cố “Liên minh cho tương lai”.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, NATO không chỉ là khối quân sự mạnh và thành công, mà còn là liên minh tồn tại lâu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, thành công lâu dài của NATO không phải điều hiển nhiên, mà là kết quả của hợp tác, lựa chọn và quyết định khó khăn, từ vấn đề kiểm soát vũ khí, mở rộng khối cho đến hỗ trợ Ukraine hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra vào thời điểm NATO lo ngại trước tình hình bất ổn chính trị tại châu Âu khi lực lượng cánh hữu nổi lên trong các cuộc bầu cử quan trọng, nhất là bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tháng 6 vừa qua. Tại Pháp, tình trạng tê liệt rình rập trên chính trường sau khi phe cực hữu giành thêm lợi thế tại Quốc hội. Hay tại Đức, liên minh chính trị truyền thống suy yếu sau kết quả kém trong cuộc bầu cử EP...

Trong khi đó, cùng thách thức gia tăng từ cuộc khủng hoảng Ukraine, bất đồng giữa các thành viên cũng nới rộng hơn liên quan chính sách hỗ trợ, cũng như quan điểm về kết nạp Ukraine làm thành viên. Vấn đề chi tiêu quân sự của các thành viên cũng gây chia rẽ.

Trong bối cảnh đó, tăng cường sức mạnh của NATO là chủ đề quan trọng được thảo luận tại hội nghị. Trong đó, NATO tiếp tục khẳng định nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ, đồng thời thúc giục các nước thành viên thực hiện mục tiêu dành ít nhất 2% GDP cho chi tiêu quân sự.

Đáng chú ý, sự góp mặt tại hội nghị của các đại diện quốc gia đồng minh, đối tác của NATO, nhất là các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã làm nổi bật mục tiêu của NATO mở rộng hợp tác vượt ra ngoài khu vực truyền thống.

Tăng cường hỗ trợ đối tác

Cam kết viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine cũng là một trọng tâm cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo NATO. Thậm chí, theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, kỳ hội nghị năm nay củng cố con đường Ukraine trở thành thành viên NATO.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Italia, Hà Lan và Romania đã ra tuyên bố chung thông báo về việc chuyển giao thêm 5 hệ thống phòng không chiến lược cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, khoản đóng góp của Mỹ, gồm cả hệ thống Patriot mới, là một phần trong nỗ lực của NATO giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không.

Thông báo viện trợ bổ sung cho Kiev được các nước NATO đưa ra trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp diễn phức tạp. Thủ đô Kiev và một số thành phố lớn tại Ukraine hứng chịu các đợt tấn công bằng tên lửa, trong đó một bệnh viện nhi cũng là mục tiêu.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp phiên khẩn cấp hôm 9/7 thảo luận về diễn biến mới tại Ukraine. Một số nước nêu lo ngại về các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine và đổ lỗi cho lực lượng Nga.

Tuy nhiên, tại phiên họp, Trưởng phái đoàn thường trực Nga tại Liên hợp quốc bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào Nga. Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin cũng khẳng định, Nga không tấn công các mục tiêu dân sự.