Nâng chế độ trực tiếp khảo sát, rà phá bom, mìn

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 16/2024/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, được hưởng chế độ bồi dưỡng mức 350 nghìn đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ.

Trong ngày thực tế làm việc, nếu thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ dưới 4 giờ thì được tính bằng một nửa ngày; từ đủ 4 giờ trở lên được tính 1 ngày.

Quyết định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Theo đó, tuyến đường sắt này có điểm đầu là Ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc) và điểm cuối là Ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép-Hạ Long). Tổng chiều dài tuyến khoảng 427 km bao gồm 41 ga trên tuyến, đi qua 10 tỉnh/thành phố.

Tuyến đường sắt sẽ bao gồm 2 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, trong đó tuyến chính đoạn từ Lào Cai-Nam Hải Phòng-Cảng Lạch Huyện dài 391,06 km; tuyến chính đoạn từ Nam Hải Phòng-Cái Lân dài 50,59 km; tuyến nhánh Nam Hải Phòng-Cảng Nam Đồ Sơn dài 12,632 km; tuyến nhánh đoạn Nam Đình Vũ-Đình Vũ dài 7,418 km.

Ước tính tổng nhu cầu vốn của tuyến đường sắt là 179.126 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 23.448 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 107.260 tỷ đồng; phần còn lại là chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng.