Nâng cấp phòng dịch tại trường học

Hai tuần triển khai học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 của học sinh (HS). Ngay lập tức, hàng loạt giải pháp nâng cấp quy trình phòng dịch học đường được đưa ra. Trong đó, việc giao quyền linh động xử lý cho các trường là mấu chốt để theo dõi sát nhất các ca F0, F1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du ở quận 1, TP Hồ Chí Minh khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào bàn học.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du ở quận 1, TP Hồ Chí Minh khử khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào bàn học.

Linh hoạt các phương án

Mấy ngày nay, ba thành viên thuộc Tổ Covid-19 của lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 đến trường sớm hơn mọi khi. Đứng tại cửa lớp, Nguyễn Phương Lan liên tục nhắc nhở các bạn kiểm tra thân nhiệt với chiếc máy gắn sẵn trên tường và rửa tay sát khuẩn trước khi về bàn. Trong suốt thời gian lên lớp, thấy bạn nào không tuân thủ 5K, thành viên khác thuộc Tổ Covid-19 là Lê Vinh Khôi luôn tích cực nhắc nhở. Giờ học, giờ chơi, giờ ăn, giờ ngủ, bất kể khi nào thấy có bạn mệt mỏi, nóng sốt, Tổ Covid-19 liền báo cho giáo viên (GV) chủ nhiệm để kịp thời xử lý. Nhờ sự phối hợp này mà từ sau Tết Nguyên đán đến nay dù lớp có ba F0 nhưng việc học bán trú vẫn diễn ra an toàn, chưa có tình trạng lây chéo. 

Các hộc tủ tại bàn GV có để sẵn khẩu trang y tế, dung dịch súc họng, vitamine C, ngay cửa lớp thì đặt ba chai cồn xịt khuẩn cho HS sử dụng, việc giãn cách được bảo đảm ngay từ bố trí bàn học, bàn ăn đến sắp xếp chỗ ngủ. Cô Nguyễn Thị Bích Huệ, GV chủ nhiệm lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Du cho hay: “Trước đây, mỗi bàn ăn có tám HS thì giờ chỉ còn ba em. Để tâm lý học trò thoải mái, tôi cho các em đăng ký ngồi ăn, nằm ngủ với nhau theo nguyện vọng. Làm vậy HS đỡ chạy nhảy lung tung mà trường cũng dễ sàng lọc, khoanh vùng F1 nếu chẳng may xuất hiện F0. GV tăng cường phối hợp với bảo mẫu và phụ huynh (PH) để theo dõi sát sao sức khỏe mỗi HS. Với trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà theo quy định, trường tổ chức học trực tuyến theo dạng bài giảng đăng trên trang web của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh”.

Cũng nhờ chủ động các biện pháp phòng dịch mà đến nay, Trường THPT Nguyễn Du ở quận 10 vẫn có thể duy trì dù đã ghi nhận hơn 100 ca F0 (gần 30 em đã hoàn thành thời gian cách ly). Theo Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, sở dĩ trường làm được điều này là nhờ sớm tạo mạng lưới phối hợp chặt chẽ với PH thông qua ứng dụng “Lớp học xanh”. Cụ thể, vào 20 giờ mỗi ngày, GV chủ nhiệm các lớp sẽ liên hệ với PH thông qua kênh trực tuyến để nắm tình hình sức khỏe của từng HS. Vào mỗi cuối tuần, PH sẽ tự thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà cho con em mình rồi chụp kết quả gửi vào nhóm trò chuyện trực tiếp với GV. Ngay khi HS hay người nhà có triệu chứng nghi nhiễm, PH sẽ báo lên nhóm và trường lập tức yêu cầu gia đình cho trẻ ở nhà tạm thời một, hai ngày để theo dõi, khi nào sức khỏe ổn định, kết quả âm tính thì quay trở lại học trực tiếp. 

Thông tin từ Trạm Y tế phường 26, quận Bình Thạnh cho hay, mặc dù hai tuần sau Tết Nguyên đán, số ca F0 là HS trên địa bàn tăng cao (hiện có hơn 200 trường hợp) nhưng nhờ sự sàng lọc kỹ nên phần lớn phát hiện tại nhà. Chỉ gần 40 trường hợp F0 được phát hiện tại 15 cơ sở giáo dục và nhanh chóng được xử lý nên không dẫn đến lây lan diện rộng. Trạm Y tế phường liên tục cập nhật số ca F0 tại địa phương, chỉ đạo của cấp trên đến từng trường thông qua nhóm trò chuyện trên Zalo, đồng thời đưa ra những hướng dẫn kịp thời cho từng cơ sở. 

Với những nơi có số ca F0 tập trung đông vào cùng thời điểm, trạm sẽ phân người đến hỗ trợ xét nghiệm nhanh, khoanh vùng để kịp thời xử lý. Còn lại, y tế địa phương hướng dẫn PH cách nhắn tin theo cú pháp cụ thể và gọi vào các đường dây nóng nhận khi cần cung cấp thông báo tình trạng sức khỏe của trẻ và người nhà nghi nhiễm. “Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sàng lọc F0, hướng dẫn cách ly tại nhà theo đúng quy định. Vào 14 giờ mỗi ngày, chúng tôi đều có báo cáo cụ thể tình hình để địa phương giám sát. Công tác phối hợp với các trường luôn được duy trì nhằm nắm sát tình hình của từng cơ sở, có những giải pháp kịp thời. Vấn đề quan trọng nhất chúng tôi cần lưu ý với PH là mỗi nhà hãy quan tâm nhiều hơn đến các thông tin dịch bệnh, chủ động phòng ngừa cho con trẻ và kịp thời khai báo khi nghi nhiễm thì tình hình sẽ dần ổn định”, ông Hồ Minh Hoàng, Trưởng trạm y tế phường 26, quận Bình Thạnh cho biết thêm.

Nâng cấp phòng dịch tại trường học -0
Nhân viên y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một trường hợp nghi nhiễm. 

Tăng quyền chủ động cho các trường

Trước tình trạng số ca F0 của HS tăng mạnh hai tuần gần đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã kịp thời có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Theo văn bản hướng dẫn này, cơ sở giáo dục được tăng quyền chủ động để linh hoạt tổ chức giảng dạy trong trường hợp phát hiện F0. 

Cụ thể, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ hai F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo của các HS còn lại trong lớp. Tình huống xuất hiện nhiều F0 hơn, nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ hai lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường. 

Hướng dẫn mới này kèm với việc điều chỉnh thời gian cách ly tại nhà của Bộ Y tế cho các HS là F0, F1 đang tạo điều kiện giúp các trường từng bước ổn định việc dạy trực tuyến. Bà Lê Thụy Quy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cho rằng, những nút mở trong quy trình phòng, chống dịch giúp các trường linh hoạt hơn và việc sàng lọc F0, giảm nguy cơ lây lan cũng đạt kết quả khả quan hơn. Như tại trường này, từ khoảng 20 ca F0/ngày trong tuần đầu sau Tết Nguyên đán nay chỉ còn tầm bảy, tám ca nhiễm, phần lớn phát hiện tại nhà và đang được theo dõi sát sao: “Nhà trường chủ động kết hợp với nhiều bộ phận từ GV chủ nhiệm đến y tế, giám thị, bảo mẫu, HS rồi PH sao cho mọi thứ nhịp nhàng. Ban giám hiệu thu thập tất cả thông tin đó, đánh giá tình hình và linh hoạt thay đổi biện pháp để giảm thiểu việc lây nhiễm. Trường cũng luôn khuyến khích PH cập nhật liên tục về tình trạng sức khỏe ở nhà của HS. Khi HS hơi có biểu hiện đau họng, mệt người, chúng tôi tư vấn PH cho con ở nhà theo dõi một, hai ngày để kịp thời tách F1, tránh tâm lý hoang mang không đáng có”.

Khẳng định thành phố đang tăng cường các giải pháp dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới quy trình phối hợp các bên sẽ được siết chặt hơn nữa để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Theo ông Dũng, việc giao quyền chủ động sắp xếp quá trình giảng dạy tùy tình hình thực tế, tần số xuất hiện F0 trong ngày cho nhà trường là cần thiết vì ban chỉ đạo phòng, chống dịch cơ sở sẽ nắm rõ nhất tình hình và biết cách điều chỉnh phù hợp với đặc trưng từng nơi. 

Với trường hợp F0, F1 phải cách ly tại nhà theo quy định, ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đồng bộ hai phương án đã yêu cầu các trường chuẩn bị trước đó là dạy trực tiếp và trực tuyến tùy điều kiện thực tế. “Như vậy, trường học và GV gánh thêm nhiều phần việc nhưng bù lại HS sẽ có được môi trường an toàn hơn. Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn phương án xử lý trong trường hợp số ca bệnh tăng nhanh hay chuyển biến xấu. Khi HS bị cách ly phải học trực tuyến trong thời gian ngắn, chắc chắn các em sẽ gặp khó khăn ít nhiều nhưng chúng tôi đã yêu cầu các trường phải tìm mọi cách bảo đảm cho các em tiếp cận chương trình giáo dục đồng đều nhất có thể. Làm sao để HS không bị thiếu hụt chương trình, hổng kiến thức. Cái này phải ưu tiên hàng đầu”, ông Dũng cho biết thêm.

TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Kết quả khảo sát sẽ được gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong đầu tuần này. Công tác phục vụ tiêm chủng an toàn cho trẻ đang được khẩn trương triển khai. Dự kiến, thành phố có hơn 700 nghìn trẻ trong độ tuổi 5 - 11 tuổi sẽ tiêm vaccine đợt này.