Nâng cao ý thức phân loại rác thải

Sắp tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Phân loại rác thải vẫn còn ít được người dân quan tâm và thực hiện. Ảnh: SONG ANH
Phân loại rác thải vẫn còn ít được người dân quan tâm và thực hiện. Ảnh: SONG ANH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 25/8 tới. Một trong những điểm đáng chú ý là việc xử phạt hành chính với hành vi không phân loại rác.

Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định, phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Trước đó, quy định hiện hành tại Nghị định 155/2016 không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Đây được đánh giá là một trong những điểm mới nổi bật, có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân đối với việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường như: Phạt tiền từ 100 nghìn - 150 nghìn đồng nếu vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng nếu vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng…

Bên cạnh đó, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng; phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố...

Đại diện Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Hà Nội cho rằng, phân loại rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề cần thiết, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, lâu nay việc phân loại rác thải vẫn chưa thật sự được người dân quan tâm và thực hiện bởi mọi người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc phân loại rác. Đa phần mọi người không có thói quen phân loại rác mà chỉ tập trung rác thải mang đến điểm tập kết. Việc xử lý rác thải không được phân loại cũng gây rất nhiều khó khăn cho các công nhân vệ sinh môi trường. Nếu người dân phân loại rác ngay từ những hộ gia đình thì việc xử lý rác của các công nhân vệ sinh môi trường có thể dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo chuyên gia về môi trường, còn hơn một tháng nữa Nghị định có hiệu lực, nên từ lúc này cả hệ thống phải vào cuộc, đặc biệt là các cơ quan quản lý cần quyết liệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ và có ý thức thay đổi. Theo đó, phải có chiến lược tuyên truyền, hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể như cách chúng ta đã làm với Covid-19. Có như thế thì việc triển khai thực hiện trong tháng 8 mới thật sự có hiệu quả.

Nếu không, cứ chỉ xử phạt thông thường dễ dẫn đến việc “nhờn luật” mà mục tiêu thì không đạt được và rồi luật sẽ chỉ nằm trên giấy, còn việc xử phạt cũng không có nhiều ý nghĩa về mặt tổng thể, cộng đồng.