Nâng cao hơn mối quan tâm với tranh tường Hà Nội

Sau loạt bài ba kỳ “Để tranh tường làm đẹp Thủ đô” đăng trên số báo 1380, 1381 và 1382 (ngày 6, 10 và 13/4), Thời Nay đã nhận được một số phản hồi tích cực. Qua đó cho thấy những mối quan tâm với hướng phát triển bền vững cho tranh tường Hà Nội trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách nước ngoài tham quan không gian phố đi bộ Phùng Hưng. Ảnh: ANH QUÂN
Du khách nước ngoài tham quan không gian phố đi bộ Phùng Hưng. Ảnh: ANH QUÂN

Phản hồi tích cực

Về nội dung loạt bài “Để tranh tường làm đẹp Thủ đô”, một họa sĩ nhận xét: “Trong phạm vi đặt vấn đề là một chuyên đề thì đây là loạt bài có nghiên cứu và đưa ra hướng giải quyết thực tế. Nó có tác dụng gợi mở vấn đề, đồng thời tạo sự chú ý của xã hội và các nhà quản lý”. Cũng theo họa sĩ, việc quy hoạch lại tranh tường trong khu vực Hà Nội hiện tại là một vấn đề khó, tùy vào cấp độ đặt vấn đề mà có những giải quyết khác nhau.

Còn họa sĩ Đặng Tiến thì cho rằng: “Bài viết gồm ba kỳ đã nêu được các nội dung cần đề cập. Nhưng vẫn cần nhấn mạnh thêm về sự “tự phát”. Cần quan tâm thêm nhằm nêu bật sự nguy hiểm của việc này”. Họa sĩ cũng đã chứng kiến nhiều bạn trẻ trong một chi đoàn, với ý tốt, muốn “làm đẹp” cho các bức tường ở một khu dân cư, hoặc một đoạn phố. Các bạn đã vẽ những bức tranh đa mầu sắc. Nhưng kết quả nhận lại là sự lòe loẹt, bố cục, hình đều hỏng vì tuổi trẻ nhiệt tình nhưng không có nghề. Cái ý tốt ở đây là làm đẹp bức tường cũng như cảnh quan, nhưng hóa ra lại tạo ra sự phản cảm, họa sĩ chỉ rõ.

Cùng với đó, đã có những tín hiệu tích cực khi đã có những cá nhân, tổ chức hình thành ý tưởng góp phần làm đẹp tranh tường tại Thủ đô. Chị Vũ Thùy Dung, phụ trách dự án Green Art (Nghệ thuật xanh) nằm trong chương trình Làm đẹp cảnh quan (Beautification Program) của Keep Vietnam Clean chia sẻ: “Về hiện trạng, mình đồng tình với ý kiến nêu ra trong loạt bài. Hiện tại nhóm mình cũng đang triển khai thêm các dự án vẽ tranh tường khác trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên vẫn cần thời gian để lên kế hoạch và triển khai. Để làm tốt thì nó cũng cần thời gian hoàn thiện”. Chị Dung cho rằng: “Diện mạo thành phố thay đổi không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Mình mong thông qua các dự án nhỏ như của nhóm, tuy ít và chậm thôi nhưng lâu dần sẽ đóng góp được một phần vào làm đẹp cảnh quan cho thành phố”.

Người dân “sẵn lòng” với tranh tường

Trong quá trình phát triển tranh tường trên địa bàn Hà Nội, người dân là đối tượng cần được quan tâm nhất. Họ cần là những người được trực tiếp tham gia lên ý tưởng, phổ biến văn hóa địa phương cho các họa sĩ vẽ tranh. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân sinh sống tại các điểm có tranh tường đều thể hiện sự sẵn sàng chung tay sơn sửa, dọn dẹp làm sạch tranh tường của ngõ, xóm, tổ dân phố.

Bà Đinh Thị Oanh, sống tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình) nhiều năm tham gia Hội Phụ nữ phường nhận định: “Đa số cụm dân cư trên phố hằng năm đều có kế hoạch “Con đường tự quản” do Hội Phụ nữ triển khai. Tuy nhiên, người dân thường chỉ chú trọng vệ sinh vỉa hè nên đôi khi những bức tường chưa được chú ý. Nếu có những bức tranh tường hưởng ứng ngày kỷ niệm nào đó, người dân chúng tôi hay thanh niên tại đây luôn sẵn sàng tham gia quá trình sáng tác hoặc tu bổ”. Hoặc như chị Bùi Thu Yến, đang sống tại phố Đê La Thành (quận Đống Đa), thì việc tô đè lên những bức tranh đã xuống cấp trầm trọng cũng là một giải pháp người dân thường dùng để xử lý tạm thời.

Về vấn đề cải tạo tranh tường, bạn Đàm Thị Diện, sinh viên Học viện Ngoại giao gợi ý: “Theo mình, nên có thêm các chiến dịch, các hoạt động tình nguyện, dự án cộng đồng thu hút nhiều bạn trẻ có chuyên môn tham gia để có thể cải tạo lại tranh tường bị hư bỏng, bẩn mốc một cách khoa học, có tổ chức. Những người trẻ như mình sẵn sàng tham gia để làm sạch bộ mặt của thành phố”.

Việc chăm sóc, phát triển để tranh tường trở nên đẹp hơn cũng đang là mối quan tâm với nhiều người. Trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình), chúng tôi thấy một dải tranh tường dài khoảng 10m được người dân và đơn vị sở hữu cho phép thực hiện đang bị bong tróc và mất mầu do thời gian. Theo bà Phượng, tổ trưởng phố 6, đường Hoàng Hoa Thám, tổ dân phố cũng đã có những kế hoạch sơn mới và vẽ lại cho phù hợp hơn.

Hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước, tranh tường đang dần có nhiều thay đổi tích cực. Việc phát triển, phát huy giá trị tranh tường để làm đẹp Thủ đô là một cách lan tỏa văn hóa của Hà Nội cũng như nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa, nghệ thuật sẽ được truyền tải một cách tự nhiên, rộng rãi thông qua tranh tường. Để có thể hiện thực hóa điều đó, tranh tường Hà Nội cần được quy hoạch bài bản và quan tâm đúng mức. Theo họa sĩ Đặng Tiến trước hết cần những người thực hiện có khả năng và “gu” thẩm mỹ tốt. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, cũng như việc quản lý phải chặt chẽ hơn.