Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động báo chí, xuất bản

Quy định 100-QÐ/TW và Quy định 101-QÐ/TW, ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản được đánh giá là tiếp tục thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng đối với hoạt động báo chí, xuất bản nói chung và đối với công tác cán bộ báo chí, xuất bản nói riêng. Ðể hiểu rõ hơn về hai văn bản quan trọng này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.

Phóng viên: Thưa ông, Đảng, Nhà nước đã ban hành các quy định để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản. Vậy xuất phát từ các lý do quan trọng nào, mới đây Ban Bí thư tiếp tục ban hành các Quy định 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW liên quan đến báo chí, truyền thông, xuất bản?

Đồng chí Trần Thanh Lâm: Như chúng ta đều biết, báo chí, xuất bản là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của Nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí, xuất bản đã, đang phát huy vai trò là lực lượng tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Trước thực tiễn phát triển phong phú của báo chí, đặt ra yêu cầu mới trong bối cảnh mới, có thể khẳng định việc Ban Bí thư ban hành hai Quy định (100 và 101) về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản là rất cần thiết, xuất phát từ những yêu cầu cụ thể sau:

Một là, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác cán bộ và hoạt động báo chí, xuất bản. Vì vậy, việc ban hành hai quy định mới sẽ nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã ban hành.

Hai là, Quyết định 75 và Quyết định 282 về công tác cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản được ban hành vào năm 2007 và 2010 hiện có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn với đời sống báo chí, xuất bản.

Quyết định 75 và Quyết định 282 chưa có chế tài cụ thể để xem xét, xử lý đối với các vi phạm của tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản. Quy định 100 và Quy định 101 khắc phục được tình trạng này, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và cùng với đó là có chế tài xử lý cụ thể đối với lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Ba là, xuất phát từ thực tiễn đặt ra yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản. Đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những điểm mới, những nội dung quan trọng được xem là mấu chốt, nhằm hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản của Quy định 100-QĐ/TW và 101-QĐ/TW là gì?

Đồng chí Trần Thanh Lâm: Điểm mới đầu tiên, đó là, cả hai Quy định đã bổ sung đối tượng điều chỉnh là cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản. Điều này, nhằm nâng cao trách nhiệm, đồng thời cũng có chế tài xử lý khi cơ quan chủ quản không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm được giao trong công tác cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Thứ hai, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm đã có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn đang đặt ra hiện nay. Vậy, những điểm nào các cơ quan, đơn vị cần lưu ý trong triển khai thực hiện hai Quy định này?

Việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo thì không bắt buộc có điều kiện, tiêu chuẩn phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Về độ tuổi bổ nhiệm: hai quy định lần này đã quy định cụ thể đối với từng trường hợp, không những xuất phát dựa trên các quy định của Đảng, Nhà nước về lao động, mà còn xuất phát từ thực tiễn hoạt động hiện nay của các cơ quan báo chí, xuất bản, nhằm tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm của các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Điểm lưu ý tiếp theo, đó là người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản; lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản này không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản khác.

Thứ ba, có một thực tế, trước đây số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản không được quy định cụ thể, nên có một số cơ quan báo chí, xuất bản, nhất là đối với các cơ quan báo chí thuộc các tổ chức hội nghề nghiệp-xã hội bổ nhiệm hàng loạt phó tổng biên tập cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, hai Quy định lần này đã nêu cụ thể số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản. Cụ thể, số lượng lãnh đạo cơ quan báo chí không thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo các nhà xuất bản thuộc các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, được quy định có một cấp trưởng và tối đa không quá ba cấp phó.

Thứ tư, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đã được quy định cụ thể hơn. Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; cơ quan chủ quản và cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong quá trình giới thiệu, xem xét, đề nghị và quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản.

Đặc biệt, lần này quy định rất rõ nếu: Lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong thời hạn giữ chức vụ có đơn, thư khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết hoặc chưa giải quyết, để kéo dài, vượt cấp; cơ quan báo chí, nhà xuất bản bị xử lý vi phạm hành chính hoặc cá nhân lãnh đạo bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, thì tùy mức độ, cơ quan chỉ đạo báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản xem xét, thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra văn bản trả lời cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản về việc bổ nhiệm lại.

Thứ năm, thời hạn giữ chức vụ. Lần này, quy định rõ, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản. Người đứng đầu cơ quan báo chí không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan báo chí. Đối với các nhà xuất bản thì yêu cầu Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng Biên tập không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một nhà xuất bản.

Phóng viên: Theo ông, các quy định mới này được kỳ vọng sẽ mang lại tác động như thế nào đối với hoạt động của lĩnh vực báo chí, xuất bản?

Đồng chí Trần Thanh Lâm: Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt hai quy định trên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với báo chí, xuất bản. Góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc triển khai, thực hiện tốt hai quy định mới này sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản, cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong việc đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản, góp phần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ.

Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", do vậy, nếu làm tốt công tác này sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh của báo chí, xuất bản cách mạng, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong hoạt động báo chí, xuất bản, góp phần làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!