Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Khai thác sâu sắc từng hơi thở, nhịp đập của cuộc sống

Những ngày này, các phóng viên, nhà báo nói riêng và những người công tác trong lĩnh vực báo chí nói chung đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023). Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Ðức Lợi (ảnh dưới) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nghe ông chia sẻ về định hướng phát triển và một số hoạt động trọng tâm của Hội trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác sâu sắc từng hơi thở, nhịp đập của cuộc sống

Phóng viên: Thưa ông, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Có thể nói, từ đầu năm 2022 đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, Hội nhà báo các cấp từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động đợt thi đua rộng khắp trong các cấp Hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025.

Tại nhiều cấp Hội, đã có sự hưởng ứng mạnh mẽ cũng như sự chủ động, sáng tạo nhất định. Một số nơi đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua vừa về chuyên môn nghiệp vụ làm báo, vừa về các hoạt động vì cộng đồng. Ở nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan báo chí đã xuất hiện nhiều hội viên, nhà báo không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, có mặt ở những vùng xảy ra thiên tai nghiêm trọng, hay trên tuyến đầu chống dịch.

Hết dịch, họ lại tiếp tục nâng cao hoạt động chuyên môn, tích cực tuyên truyền thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương vì nhân dân phục vụ của các cấp, các ngành, góp phần quan trọng trong việc tạo niềm tin của nhân dân khi cả nước bước vào tái lập "mùa bình thường mới" vì mục tiêu chung để ổn định và phát triển…

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục động viên hội viên tham gia các giải báo chí, nhất là Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) và coi đó là tiêu chí cần thiết, quan trọng để bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.

Bằng nhiều nội dung cụ thể, hoạt động Hội đã có sự chuyển mình nhằm hiện thực hóa từng bước chủ đề hoạt động Hội năm 2023 đã đề ra là: "Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới!".

Phóng viên: Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam Khóa XI vừa được ban hành được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đổi mới của đất nước. Vậy, đâu được xem là nội dung quan trọng nhất, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam Khóa XI chính thức được ban hành là một dấu mốc cực kỳ quan trọng, là yếu tố hết sức thuận lợi để tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động Hội trong thời gian tới. Bản điều lệ với nhiều điểm mới cho thấy sự hội tụ trí tuệ, tâm huyết của tập thể lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam với quyết tâm đưa hoạt động báo chí, hoạt động Hội tiếp tục được tăng cường về chất, bắt nhịp, phù hợp yêu cầu của tình hình mới.

Trong 10 chương, 38 điều của bản Điều lệ, nội dung quan trọng nhất chính là sự khẳng định tính chất chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định vai trò của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Công tác bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp phóng viên, nhà báo được Hội chú trọng như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Công tác kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và xử lý các trường hợp vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam luôn được lãnh đạo Hội coi trọng và thường xuyên đốc thúc.

Bản thân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo các cấp Hội luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đều mong muốn và tâm huyết xây dựng một đội ngũ nhà báo, hội viên bám sát và trưởng thành trong chính thực tiễn sinh động, có khả năng phản ánh, khai thác sâu sắc từng hơi thở, nhịp đập của cuộc sống, định hướng được dư luận, tạo được sự đồng thuận xã hội, từ đó củng cố và tạo dựng được sức mạnh niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Hội Nhà báo Việt Nam xác định, càng phải tiên phong trong công tác bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, tạo lập được không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, đó chính là cách để chúng ta có thể "chấn chỉnh" được những biểu hiện "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp và nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

Phóng viên: Để hoạt động Hội có những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp của người làm báo, đâu là những việc sẽ được Hội thực hiện?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Có rất nhiều việc phải làm và việc khó cũng phải làm. Trước hết, đó phải là những hoạt động hướng tới việc quy tụ sức mạnh đoàn kết của hội viên, thu hút được sự quan tâm, đồng lòng của giới báo chí cả nước, điển hình như Hội báo toàn quốc các năm 2022-2023 trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và Giải Báo chí quốc gia hằng năm vẫn tiếp tục được phát huy với truyền thống và chất lượng mong muốn.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, thách thức, tồn tại, đặc biệt là trong các hoạt động các cấp hội địa phương, Hội ngày càng quan tâm, chú trọng "hướng về cơ sở" với các buổi thăm và làm việc với các cấp hội địa phương ngày càng rốt ráo, hiệu quả, nâng cao được chất lượng hoạt động công tác Hội, góp phần xử lý kịp thời những vấn đề "nóng", cấp bách trong hoạt động báo chí.

Không dừng lại ở việc tăng cường chất lượng sinh hoạt của hội viên, phóng viên thường trú hay tháo gỡ những khó khăn khi về trụ sở làm việc, kinh phí, nhân lực, về chuyển đổi báo thành tạp chí tại các địa phương,… Để đạt được những mục tiêu, hiện thực hóa những mong muốn tốt đẹp, tới đây Hội sẽ cố gắng để có những sáng tạo mới trong hoạt động của mình, thật sự tạo được động lực phát triển cho nền báo chí hiện đại.

Phóng viên: Chuyển đổi số có phải là mối quan tâm hàng đầu của Hội trong thời gian tới, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Đúng vậy. Bên cạnh trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức của người làm báo thì chuyển đổi số là nội dung mà chúng tôi hết sức quan tâm. Vấn đề này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội báo toàn quốc năm 2023: Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí.

Thậm chí chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu.

Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội. Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng.

Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.

Mới đây, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ (Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng Chính phủ) đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu chung của chiến lược đó là: xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 có 70% số cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% số cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% số cơ quan báo chí áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số,…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không chỉ trong lĩnh vực báo chí, mà diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội hiện nay. Chuyển đổi số chính là cơ hội để tăng cường sự kết nối giữa những người làm báo với nhau, những người làm báo với độc giả, nhân dân, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền.

Với vai trò một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam luôn khuyến khích, đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong công tác chuyển đổi số, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!