Học ở nhà báo Hồ Chí Minh

NDO - Tính tiên phong, hiện đại và tinh thần phản biện xã hội là những yếu tố xác định vai trò của báo chí. Chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ nhà báo lớn Hồ Chí Minh về những chủ đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Học ở nhà báo Hồ Chí Minh

Từ trong quá trình vận động thành lập Đảng, nền báo chí cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã đi tiên phong tổ chức phong trào và truyền bá tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Người. Thanh Niên là tờ báo khai phá mở đường cho một dòng báo chí nhấn mạnh tính tiên phong cách mạng, khi đấu tranh xóa bỏ toàn bộ chế độ cai trị thuộc địa ở Đông Dương.

Tính tiên phong, vai trò định hướng của báo Thanh Niên được thể hiện rõ nét, trong quá trình chuẩn bị về tổ chức và con người cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - một bước ngoặt trong lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc. Tính tiên phong của báo chí cách mạng khi nhân dân chưa giành được chính quyền thể hiện rõ ở mục tiêu đấu tranh để chống lại cách quản lý xã hội kiểu thực dân và đề xuất một cách quản lý xã hội mới.

"Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ, Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền…"1. Sức mạnh hơn cả bom đạn của báo chí cách mạng đã làm lung lay chỗ dựa tinh thần của chế độ cai trị thực dân từ bên trong, từ nền móng.

Học ở nhà báo Hồ Chí Minh ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 3/1963). Ảnh: Tư liệu

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm với báo chí, đã là của nhân dân và vì nhân dân, phải đảm nhiệm vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (ngày 9/6/1949): "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung"2.

Tính tiên phong của báo chí thể hiện rõ nhất khi nhà báo nêu cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động tác nghiệp tích cực của mình. Báo chí góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, góp phần quản lý xã hội bằng việc thông tin kịp thời về hiện trạng kinh tế, xã hội, văn hóa…; tuyên truyền; giải thích và hướng dẫn thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội; kiểm tra, đánh giá mức độ hợp lý của các chính sách đang được thực hiện. Tính tiên phong khởi nguồn từ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã được phát huy, lan tỏa và trở thành truyền thống đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ Hồ Chí Minh làm báo mới chỉ có báo viết và báo nói (phát thanh). Từ cuối thế kỷ 20, sự phát triển (với gia tốc ngày càng lớn) internet, công nghệ thông tin và các phương tiện kết nối đã làm hình thành xã hội thông tin ngày càng rộng lớn, khiến việc làm báo trở nên đa dạng, đa phương tiện, đa loại hình.

Báo chí ngày càng phản ánh kịp thời từng biến động, theo sát mọi chuyển động, biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra những khả năng kết nối, tương tác ngày càng mạnh mẽ. Điều này cũng đòi hỏi những người làm báo phải có một trình độ mới, một sự thích ứng mới với khoa học - kỹ thuật - công nghệ.

Trong tương lai, vai trò phản biện của báo chí sẽ càng lớn hơn do những đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không quên những điều căn dặn của nhà báo Hồ Chí Minh và tấm gương lớn của Người.

Những điều này Hồ Chí Minh cũng đã dự liệu từ rất sớm. Năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Người đã nhắc nhở: "bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, trí thức và chính trị của mình"3.

Người còn dặn: "Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình"4. Đó là những lời căn dặn về phương châm rèn luyện không bao giờ cũ với những người làm báo Việt Nam để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị.

Báo chí là kênh thông tin hai chiều để tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời phản ánh những bất cập về cơ chế, chính sách, để các cơ quan chức năng có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện của báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội là vấn đề cấp thiết, được nhấn mạnh trong xã hội hiện đại.

Trước những chính sách mới hay những vấn đề kinh tế - xã hội mới và "nóng", báo chí không thể "theo đuôi" dư luận mà phải chủ động đưa ra ý kiến chính thức, chính thống và chính xác với tinh thần chính trực, phản biện dựa trên tư duy khoa học, bằng các luận cứ, luận chứng, luận điểm thuyết phục.

Nhà báo Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực sử dụng báo chí như một kênh quan trọng để nắm bắt và phản hồi các thông tin đến từ thực tiễn. Trên mặt báo, đặc biệt là trên báo Nhân Dân, với bút danh CB, Người thường xuyên có nhiều bài viết về những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt. Người cũng chỉ rõ những điều cần chấn chỉnh trong hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương.

Chỉ xin dẫn một thí dụ: Trong mục Chuyện lớn chuyện nhỏ ở báo Nhân Dân số ra ngày 5/3/1962, có bài "Nhờ báo cấp báo", nói về đoạn đường gần ga Cao Xá thuộc tỉnh Hải Dương, tổ chức trồng dừa nhưng không chăm sóc, để cây bị khô héo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bài báo rồi ghi ở dưới bài "Kính gửi tỉnh ủy Hải Dương", và chỉ thị cho văn phòng chuyển ý kiến đến Tỉnh ủy Hải Dương để sửa chữa tình trạng này...

-------------------------------------

(1) Sóng Hồng, Là thi sĩ: Báo Cờ Giải Phóng số 4 (ngày 18/4/1944) - Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.55.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.102.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, tập 5, tr.293.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, tập 12, tr.333.