Mục tiêu trọng yếu và con đường phát triển báo chí hiện đại

Báo chí thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trí tuệ nhân tạo (AI) và gần đây nhất là sự xuất hiện của ChatGPT đang tạo ra thách thức lớn chưa từng thấy với tất cả các loại hình báo chí và mỗi người làm báo.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh cuộc tọa đàm "Hội ngộ giải A Giải Báo chí Quốc gia" tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. Nguồn: hoinhabao.vn.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm "Hội ngộ giải A Giải Báo chí Quốc gia" tại Hội Báo toàn quốc năm 2023. Nguồn: hoinhabao.vn.

Suốt một thời gian dài, truyền thông xã hội được coi là một phần không thể tách rời trong hoạt động của một cơ quan báo chí, song những diễn biến mới nhất cho thấy mối quan hệ tưởng chừng cộng sinh để phát triển này lại đang lung lay hơn bao giờ hết.

Và dĩ nhiên, trong dòng chảy chung đó, báo chí Việt Nam cũng cảm nhận rõ rệt những xáo trộn, thách thức, khi mà giờ đây độc giả, khán giả, thính giả đã thay đổi hành vi "tiêu dùng" thông tin, thậm chí né tránh thông tin, để rồi di chuyển sang các nền tảng mà báo chí chưa chi phối được.

Đặt trong một xã hội kết nối, mọi khoảng cách đều thu hẹp, kể cả "khoảng cách số", chẳng có công nghệ làm báo nào trên thế giới "vắng mặt" ở Việt Nam hiện tại, từ các thiết bị phát thanh-truyền hình cho đến các hệ thống quản trị nội dung cho báo điện tử, từ các hệ thống công nghệ phức tạp cho tòa soạn tới những công cụ tác nghiệp cá nhân của các nhà báo.

Tuy nhiên, không một tòa soạn báo chí nào ở Việt Nam hiện nay không phải đối diện những câu hỏi lớn về chiến lược phát triển dài hạn cũng như những kế hoạch trung và ngắn hạn giúp cơ quan báo chí đi qua "vùng thời tiết xấu".

Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký vào ngày 6/4 năm nay.

Theo đó, các mục tiêu trọng yếu được đặt ra: Đến năm 2030, 100% số cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% số cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% số cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ…

Chiến lược chuyển đổi số cho thấy tầm nhìn xa về sự phát triển chung của nền báo chí Việt Nam để bắt nhịp với sự phát triển chung của báo chí thế giới, đồng thời đáp ứng những đòi hỏi riêng đối với sứ mệnh, vai trò quan trọng của báo chí Việt Nam trong hành trình kiến tạo, xây dựng quốc gia hùng cường, có vị thế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các tòa soạn đang nỗ lực xác định hướng phát triển bền vững, những yêu cầu được đặt ra trong Chiến lược trở thành nhiệm vụ mang tính thách thức.

Bởi, sở hữu hệ thống công nghệ hay máy móc hiện đại không đồng nghĩa với một tòa soạn hiện đại và một phương thức làm báo hiện đại, nếu không đi kèm một chiến lược rõ ràng, biết công nghệ nào là hữu ích cho tờ báo của mình hoặc công nghệ nào không phù hợp, để tránh đầu tư dàn trải và tốn kém.

Thêm nữa, cũng từ chính những vận động của xu thế báo chí mà cách làm kinh tế báo chí cũng phải thay đổi, các báo, đài không thể chỉ dựa vào quảng cáo mà cần phải đa dạng nguồn thu để bảo đảm cho một tương lai bền vững.

Để trả lời cho những câu hỏi mang tính chiến lược của mỗi tòa soạn, không thể thiếu được việc nghiên cứu các xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ trên thế giới. Điều ấy, thậm chí trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với các cơ quan báo chí và từng cá nhân các nhà báo.

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, Báo Nhân Dân xuất bản số báo đặc biệt với lượng thông tin phong phú nhất, chuyên sâu nhất, ngõ hầu mang đến cho các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo có thêm dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng phát triển tòa soạn và từ đó định hình sự lớn mạnh của nền báo chí Việt Nam.

Những định hướng phát triển báo chí Việt Nam qua góc nhìn của các nhà quản lý, qua chia sẻ của những người đang "đứng mũi chịu sào" ở cơ quan báo chí thuộc các loại hình, những câu chuyện chuyển đổi trong thực tế, kinh nghiệm sâu sắc rút ra…

Rồi những bản báo cáo mới nhất trên thế giới của các tổ chức nghiên cứu uy tín là Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Dự báo và Xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2003, phát hành tháng 1/2023), Viện Nghiên cứu Future Today (Báo cáo Xu hướng Công nghệ 2023, phát hành tháng 3/2023) và WAN-IFRA (Báo cáo Triển vọng Báo chí Thế giới 2022-2023, phát hành tháng 3/2023)… hay những câu chuyện tìm ra hướng đi vượt khủng hoảng của báo chí quốc tế… Qua đó, cũng là cơ hội để soi lại hoạt động của chính các cơ quan báo chí, để mỗi cơ quan tìm ra con đường phù hợp cho mình.

Báo chí phải vượt qua, và nhất định sẽ vượt qua thách thức để giữ được niềm tin của độc giả, khán giả, thính giả, để người cần thông tin vẫn tìm đến với báo chí như là điểm tựa của sự tin cậy, chính xác.

Nỗ lực đương đầu khó khăn sẽ trở thành động lực cho bước tiến của báo chí, để tiếp tục khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng, đồng hành và dẫn hướng sự phát triển tích cực, lành mạnh của người dân và xã hội.