Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư

Xác định năm 2023 và những năm tiếp theo tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, kinh tế-xã hội, tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời chủ động xúc tiến, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Định tìm hiểu, hợp tác, xúc tiến thương mại. Chỉ tính riêng đối tác Nhật Bản, đến nay tỉnh đã thu hút được 19 dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh), với tổng vốn đăng ký đầu tư 94,17 triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư

Vùng đất giàu tiềm năng

Bình Định là tỉnh duyên hải miền trung, diện tích tự nhiên 6.071km2, trải dài 110km theo hướng bắc-nam. Tỉnh có chiều dài bờ biển 134km, diện tích vùng lãnh hải 36.000km2, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển. Hiện, tỉnh có năm tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, trong đó có đường cao tốc bắc-nam và đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Các tuyến đường kết nối cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, ga Diêu Trì với khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng với hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, miền. Trong đó, Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra, vào an toàn.

Thành phố Quy Nhơn được coi là một trong những vùng kinh tế trọng điểm miền trung, là trung tâm logistics, thương mại, vui chơi giải trí, giáo dục-đào tạo, tài chính-ngân hàng và y tế chuyên sâu, đáp ứng mọi nhu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tương lai, Quy Nhơn còn trở thành trung tâm văn hóa của cả khu vực Nam Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Hiện, có nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu, tin tưởng, lựa chọn tỉnh Bình Định để đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh. Trong đó, Tổng công ty Becamex IDC - một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và khu công nghiệp tại Việt Nam, là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, với quy mô diện tích hơn 1.000ha.

Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Bình Định là địa phương thuộc nhóm 25 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất tại Việt Nam; đứng thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam về chỉ số Cạnh tranh bình đẳng. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, các khoản vay và thuận lợi hơn trong việc có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước; được hỗ trợ công bằng trong thực hiện thủ tục hành chính, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định.

Phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng”

Trong những năm qua, Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác số một về ODA, thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Tính đến hết tháng 3/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 69,39 tỷ USD với hơn 5.000 dự án. Hợp tác của Nhật Bản trong những lĩnh vực trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 64% số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam - đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Hiện nay, các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định xuất khẩu sang Nhật Bản gồm thủy sản, sắn và các sản phẩm từ sắn, khoáng sản và vật liệu xây dựng, hóa chất, bàn ghế mây nhựa, gỗ các loại (ván gỗ, gỗ viên nén, ván ép…), đồ gỗ nội ngoại thất, quần áo, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Trong đó, gỗ các loại (dăm gỗ, viên nén gỗ, ván mỏng…) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản. Đối với kim ngạch nhập khẩu, năm 2022, tỉnh Bình Định đạt hơn 36,8 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, chiếm tỷ trọng 11% so nhập khẩu hàng hóa các nước khác tại châu Á. Tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2023, hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản đạt 27,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,9% so nhập khẩu sang các nước châu Á khác. Các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là: thủy sản cấp đông, phân bón các loại, nguyên phụ liệu sản xuất thuốc, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt-may, da-giày, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng cùng một số loại hàng hóa khác.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Định đang đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền. Từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình.

Với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền trung; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của tỉnh Bình Định đạt hơn 176,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32% so hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia châu Á khác; riêng trong sáu tháng đầu năm 2023 đạt 126,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,1%.