Theo CNN, 25 đối tượng đã bị bắt giữ liên quan việc buôn bán rượu lậu, sau khi nhà chức trách Ấn Độ ghi nhận ít nhất 112 người tử vong do uống rượu giả. Một nghi phạm tại huyện Amritsar cũng thiệt mạng vì lý do tương tự, trong khi vợ người này bị bắt vì bán rượu không rõ nguồn gốc.
Trong tuần qua, lực lượng chức năng tại bang Punjab đã thực hiện hơn 100 cuộc đột kích các quán ăn ở nhiều ngôi làng, chuyên bán rượu cho khách vãng lai và người dân. Trong quá trình điều tra, cảnh sát Punjab phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất rượu bất hợp pháp gần sông Sutlej. Lực lượng phòng, chống buôn lậu đã tiêu hủy gần 50.000 lít nước cốt lahan (loại quả dùng để sản xuất rượu) và thu hồi nhiều chai nhựa, dụng cụ dùng để sản xuất rượu bất hợp pháp cùng hàng chục nghìn lít rượu ngoại giả. Liên quan vụ việc này, sáu sĩ quan cảnh sát và bảy quan chức đã bị đình chỉ công tác vì không ngăn chặn việc bán rượu lậu.
Theo Cảnh sát trưởng bang Punjab, ông Dinkar Gupta, tối 29-7 vừa qua, năm trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo tại hai ngôi làng thuộc huyện Amritsar, bang Punjab. Trong những ngày tiếp theo, hàng chục trường hợp tử vong khác đã được báo cáo tại huyện trên, cùng hai huyện Tarn Taran và Batala. Tới nay, ít nhất 112 người được báo cáo đã tử vong ở bang Punjab. Chính phủ Ấn Độ cho biết, nguyên nhân dẫn đến tử vong của những trường hợp trên là do uống phải rượu giả được pha chế bởi những cơ sở sản xuất rượu lậu.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cho rằng số người tử vong do uống phải rượu giả có thể nhiều hơn do người dân chưa báo cáo, khiến số người chết có thể tăng thêm trong những ngày tới. “Một số gia đình từ chối tiết lộ chi tiết về nguyên nhân tử vong của người thân và một số gia đình đã mang đi chôn cất hoặc hỏa táng. Chúng tôi chỉ tổng hợp được con số người thiệt mạng trên thực tế sau quá trình thu thập đầy đủ thông tin”, ông Amarinder Singh, Thủ hiến bang Punjab cho biết. Trước tình hình đó, ngày 1-8, ông Singh khẳng định, đã ra lệnh cho các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra và tuyên bố “không tha thứ cho những kẻ phạm tội”.
Hiệp hội Rượu và Rượu vang quốc tế Ấn Độ ước tính, quốc gia này tiêu thụ khoảng 5 tỷ lít rượu mỗi năm, trong đó khoảng 40% được sản xuất bất hợp pháp và kém chất lượng, thường dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp do họ không đủ điều kiện để mua các loại rượu được cấp phép từ các cửa hàng do cơ quan chức năng quản lý. Những loại rượu giả thường được pha với methanol để tăng nồng độ cồn, thường được bán rất rẻ, mỗi lít có giá chỉ khoảng 10 rupee (tương đương 0,13 USD). Trong khi đó, methanol là hợp chất có thể gây mù lòa, tổn thương gan, thậm chí gây tử vong ngay cả khi chỉ sử dụng lượng nhỏ.
Tình trạng tử vong do sử dụng rượu bia bất hợp pháp là khá phổ biến ở Ấn Độ. Năm 2019, ít nhất 133 người đã chết sau khi uống rượu lậu trong hai vụ việc khác nhau ở bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ. Các nạn nhân chủ yếu là công nhân trồng chè. Cũng trong năm này, 80 người khác đã chết vì ngộ độc rượu ở miền bắc bang Uttar Pradesh.
Số lượng người tử vong do uống rượu giả ngày một tăng cao, cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý của giới chức nhiều bang tại Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng nhà chức trách nước này cần có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý triệt để tình trạng sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng.