Nam Bộ nhỏ trên sông Hậu

Nằm giữa lòng sông Hậu, Cồn Sơn (TP Cần Thơ) từng là mảnh đất hoang vu 5 không (không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước sạch). Sau 8 năm nỗ lực, nơi đây đã trở thành một ốc đảo xanh cuốn hút khách thập phương. Sự đổi thay đó được khởi nguồn từ tâm huyết của một người phụ nữ có cái tên mộc mạc: Bé Bảy!
0:00 / 0:00
0:00
Cá lóc bay là một trong những điểm nhấn của du lịch Cồn Sơn.
Cá lóc bay là một trong những điểm nhấn của du lịch Cồn Sơn.

“Con người là sản phẩm du lịch tuyệt vời nhất!”

Cách trung tâm TP Cần Thơ 6 km, chỉ mất khoảng năm phút qua phà Cô Bắc trên đường Lê Hồng Phong (quận Bình Thủy), du khách đã đặt chân lên Cồn Sơn. Tách khỏi ồn ào phố thị, nơi đây còn giữ được vẹn nguyên vẻ mộc mạc, chân chất tình người Nam Bộ xưa.

“Con người là sản phẩm du lịch tuyệt vời nhất!”, Bé Bảy thủ thỉ với chúng tôi trước khi bước vào hành trình khám phá Cồn Sơn qua điểm dừng chân đầu tiên tại bè cá của ông Lý Văn Bon (Bảy Bon)! Kể lại cơ duyên với nghề cá, Bảy Bon chia sẻ chuyện cách đây 20 năm khi còn đang là cán bộ hải quan của tỉnh Cà Mau đã tình cờ quen TS thủy sản người Pháp Philip Serene. Biết được dòng sông Mê Công là nơi nuôi cá thuận lợi, Bảy Bon quyết định nghỉ việc để phối hợp với các chuyên gia trong ngành thủy sản tập trung nghiên cứu và chọn Cồn Sơn là điểm đặt bè cá. “Trước đây, khu vực sông Hậu chảy ngang qua Cồn Sơn có dòng nước rất mạnh, ít bị ô nhiễm nên nuôi cá mau lớn. Thời điểm ấy, chúng tôi tập trung nghiên cứu cá bống tượng, cá tra, cá dứa nước ngọt, cá chạch lấu, cá bông lau… Cho đến giờ, lồng bè đã nuôi được hơn 15 loài cá quý hiếm”, ông Lý Văn Bon chia sẻ.

Chỉ cần nhắc tới cá, ông Bảy Bon có thể say sưa hàng giờ kể về đặc tính, thói quen của từng loài; nỗi lo bảo tồn những loài cá quý hiếm đang có nguy cơ biến mất do hoạt động khai thác quá mức của con người. Bởi vậy mà du khách tới đây không chỉ được tận mắt xem quá trình nuôi cá và tìm hiểu về các loài cá quý hiếm của sông Mê Công mà còn bị thu hút bởi tình yêu và tâm huyết của Bảy Bon dành cho những loài cá. Mạnh dạn thay đổi nên giờ đây, công việc nuôi cá thương phẩm kết hợp làm du lịch đang mang lại cho gia đình ông Bảy Bon thu nhập từ 5-7 tỷ đồng mỗi năm.

Chăm cá mát tay nhưng để chia sẻ câu chuyện về những loài cá một cách đầy sống động thì ông Bảy Bon cũng mất khá nhiều thời gian làm quen với sự hướng dẫn của cán bộ quận Bình Thủy mà Bé Bảy là người sát sao nhất. “Chú Bảy Bon giờ hết “ngượng ngùng” rồi, dẫn chuyện “ngọt” lắm! Ở Cồn Sơn sẽ còn nhiều người khiến các bạn trầm trồ như vậy!”, Bé Bảy nói và tiếp tục dẫn chúng tôi đi khám phá Cồn Sơn với điểm đến tiếp theo tại nhà vườn của anh Nguyễn Thành Tâm.

“Những trải nghiệm giống như tuổi thơ vừa lạ vừa quen, thú vị quá!”, du khách Nguyễn Yến Nhi (Sóc Trăng) bật cười thích thú khi xem anh Thành Tâm trình diễn cho cá lóc bú bình, cá lóc “bay”. “Du khách thích là mình thành công rồi”, anh Thành Tâm quan niệm. Kể lại hành trình làm du lịch, anh Tâm cho biết: Trước nuôi cá lóc thương phẩm nên chỉ quan tâm số lượng và chất lượng nhưng từ khi làm du lịch mới tìm hiểu tập tính của cá lóc để tạo ra sản phẩm độc đáo, mới lạ thu hút khách du lịch. Chuỗi mình tham gia du lịch cộng đồng nên mỗi nhà một sản phẩm cùng góp vô. Như mình làm cá lóc bay rồi thì dù có vườn cũng không cho khách tham quan mà để nhường hộ khác. Du lịch mang lại cho mình nhiều lắm: Niềm vui, trải nghiệm và đặc biệt là khi đồng tiền chạy vòng vòng thì thu nhập cũng gấp nhiều lần trước kia”.

Đến nhà vườn Công Minh của chị Phan Kim Ngân sẽ được thưởng thức bánh lọt, trải nghiệm làm bỏng nổ hay thử món gia truyền khác là nước mắm cá cơm được ủ tại nhà với mùi vị rất ngon. Ở Cồn Sơn, chị Ngân đã thành một trong những câu chuyện truyền cảm hứng cho hành trình thay đổi số phận.

Nam Bộ nhỏ trên sông Hậu ảnh 1

Cá lóc bay là một trong những điểm nhấn của du lịch Cồn Sơn.

Du lịch mắt xích

Du lịch Cồn Sơn là một kịch bản và nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy, một cán bộ của quận Bình Thủy chính là người kiến tạo, đồng hành cùng bà con. Để được bà con chấp nhận, cho phép đồng hành, Bé Bảy chia sẻ bài toán tư vấn tâm lý cộng đồng là trang đầu tiên mà chị phải học. Khi đã chấp nhận rồi thì bà con lại rất cởi mở, cầu tiến, sẵn sàng học hỏi để thay đổi.

“Chúng tôi tư vấn bà con Cồn Sơn liên kết với nhau tạo nên chuỗi nhà vườn du lịch, học theo mô hình Hà Nội 36 phố phường. Từ lúc đó tôi mới lên giá cả, phân công các hộ, mỗi nhà có một thế mạnh, nhà làm bánh, nhà có mắm đồng, nhà có vườn cây trái, nhà có hồ cá, hồ sen… Tháng 6/2015, chúng tôi giới thiệu Cồn Sơn chính thức là điểm du lịch mới do đoàn viên phường Bùi Hữu Nghĩa quản lý. Và đến thời điểm này bà con liên kết với nhau thành lập hợp tác xã với 43 hộ và hằng ngày có hơn 150 nhân sự đang hoạt động. Thu nhập bình quân của các hướng dẫn viên mỗi tháng khoảng 5 - 7 triệu đồng/người; nhà vườn đạt khoảng 50 - 60 triệu đồng/hộ/tháng”.

Bánh in, bánh xèo, bánh ướt, bánh lọt, bánh con sung… là nghề quen thuộc của người dân Cồn Sơn bao đời nay nhưng cái nghề ấy chủ yếu phục vụ đám tiệc tại gia đình và xóm làng. Giờ mang ra đãi khách, để khách được trải nghiệm thì phải làm sao cho chuẩn chỉ cũng cần một quá trình chuẩn bị, thẩm định với sự dẫn dắt của bà đỡ Bé Bảy. Sau khi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được phân công mỗi nhà chuyên một loại bánh không “đụng hàng” để cạnh tranh nhau mà nếu cần thì họ góp thêm một vài loại bánh mang đến cho khách thưởng thức.

Ngoài các loại bánh dân gian, các hộ dân ở đây còn làm những món ăn dân dã đãi khách như cháo gà thả vườn, lẩu cua đồng, cá chiên tỏi ớt… mà du khách không thể nếm được mùi vị ấy ở bất cứ nơi đâu. Và điểm đặc biệt cũng vẫn là mỗi nhà một món, không cạnh tranh nhau. Du lịch Cồn Sơn là mắt xích của nhau, không thể thiếu bè cá của ông Bảy Bon, ao cá lóc bay của Thành Tâm, bánh dân gian của Bé Bảy, món cá tai tượng của bà Năm…

Mọi hoạt động của người dân đều được biến thành sản phẩm như vậy đời này mới chuyển được cho đời sau. Cái được trong suốt tám năm qua là người dân biết được giá trị của bản thân, giữ lại giá trị bản địa và biết được mình là một sản phẩm chính của du lịch.

“Cồn Sơn là một Nam Bộ thu nhỏ với những người nông dân vô cùng nồng hậu, chất phác. Trước kia bà con sống nương tựa vào nhau nên khi cùng làm kinh doanh, họ vẫn còn giữ nếp cũ, không cạnh tranh cùng một sản phẩm. Vẻ đẹp của Cồn Sơn là con người, là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của cả cộng đồng không lẫn vào đâu được. Nơi đây hội tụ đủ mọi điều kiện tự nhiên, con người và chúng tôi vẫn tiếp tục cùng nhau trên hành trình xây dựng nơi đây trở thành thiên đường nghỉ dưỡng giống như Bali của Indonesia”, Bé Bảy chia sẻ.

“Hồi đó mình là hộ nghèo, được Bé Bảy và cán bộ phường qua động viên, hướng dẫn, cùng đồng hành nên mình mạnh dạn thử làm du lịch. Làm hơn một năm thấy cuộc sống thay đổi rồi từ từ thoát nghèo, cất được nhà… Mình tự tin hơn tham gia hợp tác xã giữ vai trò giám đốc hỗ trợ bà con cùng làm”, chị Ngân kể.