Mỹ xử phạt sàn giao dịch tiền ảo Binance

Giới chức Mỹ vừa công bố thỏa thuận dàn xếp lên tới hơn 4 tỷ USD đối với sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance, đồng thời yêu cầu nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) từ chức Tổng Giám đốc điều hành (CEO). Chiếc ghế lãnh đạo mới ở Binance đã được trao cho ông Richard Teng (trong ảnh), chuyên gia kỳ cựu người Singapore.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Theo AP, nhà sáng lập của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance, ông CZ vừa qua đã thừa nhận vi phạm Luật Chống rửa tiền của Mỹ, đồng thời thông báo từ chức. Đây là một phần thỏa thuận dàn xếp pháp lý, trong đó sàn giao dịch này đã đồng ý nộp phạt 1,8 tỷ USD trong 15 tháng tới và tiếp tục chịu tịch biên 2,5 tỷ USD tài sản, tổng cộng là 4,3 tỷ USD. Nhà sáng lập Binance cũng cho biết, ông Richard Teng sẽ là người kế nhiệm vị trí của mình tại sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này.

Chuyên gia kỳ cựu Richard Teng, 53 tuổi, đã đầu quân cho Binance từ năm 2021 trong vai trò là CEO của Binance tại Singapore. Ông Teng sau đó đã giữ vai trò Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi, khu vực châu Âu và cuối cùng là tất cả các khu vực bên ngoài nước Mỹ cho Binance. Đánh giá cao kinh nghiệm của tân CEO trong ngành tài chính, thông cáo của Binance cho biết: “Richard là một nhà lãnh đạo có trình độ cao và với hơn 30 năm kinh nghiệm về dịch vụ tài chính và quản lý. Ông ấy sẽ chèo lái công ty vượt qua giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”.

Bloomberg cho hay, trước khi được Binance chiêu mộ, Teng từng là CEO của Cơ quan quản lý Dịch vụ tài chính toàn cầu của Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông cũng từng giữ chức vụ Giám đốc quản lý của Sở giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), nơi ông lãnh đạo bộ phận phụ trách khung chính sách liên quan các hoạt động niêm yết, giao dịch và thanh toán. Trước đó, ông đã làm việc tại Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) dưới nhiều vai trò trong suốt 13 năm, giúp ông có được kinh nghiệm phong phú trong quản lý chính sách công.

Binance được thành lập năm 2017 và nhanh chóng dẫn đầu của thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số toàn cầu. Ước tính Binance có tài sản trao đổi trị giá 67 tỷ USD. Dù vậy, công ty này đã bị đưa vào tầm ngắm của giới chức Mỹ và vướng hàng loạt vụ điều tra pháp lý trong hơn 3 năm qua. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, những vi phạm của Binance bao gồm rửa tiền, không ngăn chặn và báo cáo các giao dịch với các tổ chức khủng bố hoặc đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ở một số quốc gia… Từ nay về sau, Binance phải nộp báo cáo về những hành động đáng nghi theo quy định của luật pháp và đánh giá những giao dịch đã thực hiện để báo cáo lên cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu tình nghi.

Việc nhà sáng lập Binance thừa nhận sai phạm nằm trong thỏa thuận dàn xếp lên tới 4,3 tỷ USD với các cơ quan của chính quyền Mỹ và là một trong những khoản dàn xếp có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực tài sản số. Sự kiện này cũng đã tác động đáng kể tới hoạt động của sàn giao dịch. Theo dữ liệu từ trang phân tích tài chính DefiLlama, chỉ trong 24 giờ sau khi công bố thông tin, khách hàng đã rút ròng 1,3 tỷ USD từ nền tảng Binance và ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin của các nhà đầu tư.

Thỏa thuận dàn xếp đã đặt ra nhiều hoài nghi về tương lai của sàn giao dịch điện tử số 1 thế giới. Đồng thời đặt ra cho ông Richard Teng bài toán khó khi phải đảm nhiệm công việc được cho là thử thách nhất trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số hiện nay. Không những phải xoa dịu 150 triệu người dùng, xây dựng lại niềm tin vào Binance, CEO mới đứng trước yêu cầu ngăn chặn sự sụt giảm thị phần trước các đối thủ mạnh đang nổi lên trong cùng lĩnh vực. Ngoài ra, Binance cũng đối mặt các cuộc điều tra đang diễn ra, bao gồm một vụ kiện khác của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ không nằm trong thỏa thuận vừa rồi.

Trước những lo ngại trên, ông Teng cho biết sẽ tập trung vào việc trấn an người dùng Binance bằng “sức mạnh, tính bảo mật và an toàn” của sàn giao dịch, đồng thời cộng tác với các cơ quan quản lý để duy trì các tiêu chuẩn toàn cầu.