Mỹ truy tìm thủ lĩnh IS-K

Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây thông báo, nước này treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin để có thể nhận dạng hoặc bắt giữ Sanaullah Ghafari, thủ lĩnh nhánh thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tỉnh Khorasan (Afghanistan), còn gọi là IS-K. Nhóm này từng nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom sân bay quốc tế tại Thủ đô Kabul (Afghanistan), khiến ít nhất 180 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.

Lực lượng Taliban truy quét IS-K tại tỉnh Khorasan. Ảnh: AFP
Lực lượng Taliban truy quét IS-K tại tỉnh Khorasan. Ảnh: AFP

Ngày 7/2 vừa qua, ông Gentry Smith, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh cho biết, “Chương trình trao thưởng vì luật pháp” của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thưởng 10 triệu USD để “lấy được thông tin nhận dạng và xác định vị trí ẩn náu của thủ lĩnh nhóm khủng bố IS-K, Sanaullah Ghafari”. Ngoài ra, một khoản thưởng 10 triệu USD khác dành cho người “cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ hoặc kết án bất cứ công dân ở quốc gia nào chịu trách nhiệm thực hiện vụ tiến công khủng bố vào sân bay quốc tế ở Thủ đô Kabul ngày 26/8/2021”. Theo kết quả điều tra từ phía Mỹ, tổ chức IS-K, dưới sự chỉ huy của Ghafari đã thực hiện vụ việc nói trên.

Vụ đánh bom sân bay quốc tế tại Thủ đô Kabul diễn ra trong lúc Mỹ cùng đồng minh tổ chức chiến dịch di tản công dân và người Afghanistan, sau khi lực lượng Taliban tiếp quản quyền lực tại quốc gia Trung Á. Ít nhất 180 người đã thiệt mạng, bao gồm 13 lính Mỹ cùng nhiều thành viên Taliban và dân thường, hơn 150 người khác cũng bị thương. Vụ tiến công khủng bố đã gây ra tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng trong bối cảnh các nước tìm cách sơ tán công dân khỏi Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát nước này. Trong động thái đáp trả, ngày 28/8/2021, Mỹ đã dùng máy bay không người lái tiêu diệt một thủ lĩnh của IS-K ở tỉnh Nangarhar của Afghanistan. Vụ tiến công không gây thương vong dân sự.

Theo Reuters, Sanaullah Ghafari (28 tuổi) được cho  là có nguồn gốc Arab và từng là thành viên của nhóm khủng bố al-Qaeda hoặc tổ chức có quan hệ thân cận với al-Qaeda. Y trở thành người đứng đầu “chi nhánh tỉnh Khorasan” thuộc Afghanistan từ tháng 6/2020. Nhiều nguồn tin cho rằng, Ghafari chịu trách nhiệm phê duyệt tất cả hoạt động của IS-K khắp Afghanistan và gây quỹ cho tổ chức khủng bố này. Tháng 11/2021, Mỹ đã liệt đối tượng này vào “danh sách đen” về những kẻ khủng bố quốc tế. Ngoài Ghafari, hai thành viên khác của IS-K là người phát ngôn Sultan Aziz Azam (còn được gọi là Sultan Aziz) và lãnh đạo cấp cao Maulawi Rajab Salahudin, cũng bị đưa vào “danh sách đen” của Mỹ. 

IS-K được thành lập tháng 1/2015, chịu trách nhiệm về một số vụ tiến công đẫm máu tại Afghanistan và Pakistan nhằm vào các thánh đường Hồi giáo, đền thờ, quảng trường và bệnh viện, khiến nhiều thường dân thiệt mạng. Mục tiêu của tổ chức này là những tín đồ Hồi giáo từ các nhánh mà nhóm coi là dị giáo, trong đó có người Hồi giáo dòng Shi’ite. Tổ chức này bị Mỹ và Taliban tiến công dồn dập trong những năm qua và mất dần ảnh hưởng ở Afghanistan. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, IS-K đã dần trỗi dậy và tăng cường các cuộc tiến công nhằm vào những mục tiêu thuộc phong trào Hồi giáo Taliban, cũng như nhóm thiểu số Shi’ite ở Afghanistan.

CNN dẫn lời ông Christopher A.Landberg, một quan chức thuộc Văn phòng Chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, không chỉ Mỹ, Taliban hiện vẫn chiến đấu chống lại IS-K. Theo ông Landberg, Chính phủ Mỹ đã liên lạc với phía Taliban để “hợp tác chống IS-K ở Afghanistan”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cam kết nước này sẽ sử dụng tất cả các công cụ chống khủng bố của mình để chiến đấu với IS-K, bảo đảm rằng Afghanistan không trở thành nền móng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Thông tin về việc trao thưởng 10 triệu USD để bắt giữ thủ lĩnh khủng bố IS-K được công bố sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết, thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi đã tự kích hoạt bom tự sát trong một cuộc đột kích của Mỹ vào nơi ẩn náu của y ở Syria. Những động thái của Mỹ thời gian qua là những đòn mạnh giáng vào IS, cho thấy quyết tâm xóa sổ tổ chức này.