Mỹ nối lại xây dựng bức tường biên giới

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa cho phép xây dựng thêm một phần bức tường biên giới Mỹ-Mexico, trong bối cảnh dòng người di cư trái phép vào “xứ cờ hoa” không ngừng gia tăng. Quyết định này báo hiệu sự thay đổi trong lập trường chính sách nhập cư của chính quyền Mỹ hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người nhập cư xếp hàng chờ được cấp phép vào lãnh thổ Mỹ tại biên giới với Mexico. Ảnh: GETTY IMAGES
Người nhập cư xếp hàng chờ được cấp phép vào lãnh thổ Mỹ tại biên giới với Mexico. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ thay đổi quyết định

Phát biểu ý kiến với báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích không thể ngăn cản việc giải ngân khoản tiền mà Quốc hội trước đây đã phân bổ cho việc xây bức tường biên giới. Quyết định xây dựng thêm hàng rào biên giới và đường sá ở bang Texas là nhằm hạn chế dòng người di cư. Việc tiến hành xây dựng bức tường biên giới này mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Tổng thống Biden rằng, sẽ không phân bổ tiền của người nộp thuế Mỹ cho hoạt động xây dựng như vậy. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ khẳng định, đang sử dụng số tiền được phân bổ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 và lập luận rằng, số tiền này phải được chi tiêu theo luật.

Ban đầu, Tổng thống Biden đặt mục tiêu đảo ngược một số chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, nhưng vẫn giữ nguyên sắc lệnh y tế công cộng Điều 42, cho phép lực lượng biên phòng trục xuất người di cư đến từ Mexico. Khi Điều 42 hết hiệu lực tháng 5 vừa qua, chính quyền Mỹ đã áp dụng một quy tắc nghiêm ngặt hơn, yêu cầu người di cư phải đặt lịch hẹn thông qua ứng dụng điện thoại do chính phủ điều hành trước khi xin nhập cảnh hợp pháp, hoặc phải đối mặt các lệnh cấm tị nạn khó khăn hơn nếu cố tình vượt biên trái phép.

Quyết định xây dựng các rào cản biên giới nhấn mạnh cuộc đấu tranh của chính quyền Tổng thống Biden nhằm kiểm soát làn sóng người di cư gia tăng, vốn đã gây căng thẳng cho các thành phố biên giới và dẫn đến căng thẳng chính trị giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở các thành phố như New York và Chicago. Một số thống đốc thuộc đảng Cộng hòa tại các địa phương gần biên giới đã chở những người di cư tới các thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát, khiến mâu thuẫn ngày càng leo thang.

Giải quyết gốc rễ vấn đề di cư

Mỹ và Mexico cam kết tăng cường nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc Đối thoại an ninh cấp cao Mexico-Mỹ vừa được tổ chức ở Thủ đô Mexico City. Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, thách thức gia tăng của vấn đề đòi hỏi chính phủ hai nước Mỹ và Mexico đẩy mạnh nỗ lực thông qua các biện pháp như hiện đại hóa lực lượng an ninh biên giới, mở thêm những lộ trình nhập cư hợp pháp và giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thông báo hai nước cam kết mở rộng con đường di cư “trật tự, an toàn và hợp pháp”, song áp dụng những biện pháp nghiêm khắc đối với những người nhập cư trái phép vào Mỹ. Các biện pháp này bao gồm cả trục xuất nhanh và cấm tái nhập cảnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Alicia Barcena khẳng định, lập trường của Mexico phản đối kế hoạch xây thêm một phần bức tường biên giới Mỹ-Mexico bằng khoản tiền mà Quốc hội Mỹ trước đây đã phân bổ cho kế hoạch này. Theo bà Barcena, Chính phủ Mỹ không nhất thiết sử dụng quỹ trên để “cơi nới” bức tường biên giới, thay vào đó có thể tập trung đầu tư vào công nghệ hay lắp đặt các thiết bị giúp ngăn chặn dòng người di cư.

Trước đó, Tổng thống Mexico Lopez Obrador mô tả việc Mỹ cho phép xây dựng thêm một phần bức tường biên giới và các rào cản khác ở phía nam Texas là một “bước thụt lùi” trong chính sách nhập cư của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mexico cho rằng, việc đầu tư vào các dự án phát triển trong khu vực sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập cư trái phép.

Bộ trưởng Blinken khẳng định, hai nước láng giềng sẽ tìm cách bảo đảm an ninh kinh tế cho các quốc gia Trung Mỹ - nơi bạo lực, nghèo đói và thảm họa thiên nhiên đang khiến nhiều người phải sơ tán. Bộ trưởng Barcena nêu rõ, Mexico đang tìm cách hỗ trợ hồi hương người di cư về Ecuador, Venezuela và Colombia, ngoài các chuyến bay trục xuất tới ba nước Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras và El Salvador.