Mỹ nỗ lực tránh nguy cơ suy thoái kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định Mỹ vẫn có khả năng tránh được kịch bản suy thoái, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà giảm lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường việc làm tại Mỹ tăng trưởng ổn định. Ảnh: REUTERS
Thị trường việc làm tại Mỹ tăng trưởng ổn định. Ảnh: REUTERS

Kịch bản “hạ cánh mềm”

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, Jamie Dimon dự báo về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái từ nhẹ đến nghiêm trọng trong năm tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã bắt đầu hạ nhiệt và chi phí thuê chung cư mới đã đạt đỉnh, trong khi thị trường lao động có sự cải thiện.

Báo cáo thị trường lao động Mỹ vào tháng 11 cho thấy, tăng trưởng việc làm tốt hơn dự kiến với số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 263.000 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,7%, gần mức thấp nhất trong vòng 53 năm qua. Trong bối cảnh không có đợt sa thải quy mô lớn nào trên toàn quốc, bà Yellen lạc quan rằng, Mỹ đang trên đà giảm lạm phát và có khả năng tránh được nguy cơ suy thoái.

Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell dự báo, Mỹ nhiều khả năng sẽ “hạ cánh mềm”, một kịch bản trong đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nhưng nền kinh tế vẫn tránh được suy thoái nghiêm trọng. Việc FED tăng lãi suất liên tiếp nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái. Thị trường lao động cải thiện, kết hợp với việc mức lương trung bình theo giờ tăng 0,6% trong tháng 11 đã tạo thêm áp lực, khiến FED tiếp tục tăng lãi suất. Sau sáu lần tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay, lãi suất cho vay qua đêm của FED đã đạt mục tiêu nằm trong khoảng 3,75-4%. Dự kiến FED sẽ tăng lãi suất lần nữa tại cuộc họp vào tuần tới.

Nỗi lo về nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần qua. Tuy nhiên, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà trắng, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Brian Deese nhận định, bất chấp những lo ngại của các nhà đầu tư, khả năng phục hồi kinh tế sẽ giúp Mỹ trở thành trung tâm về đầu tư, năng suất và đổi mới trong vài năm tới.

Mỹ nỗ lực tránh nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh 1

Ông Mitch McConnell khẳng định Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về vấn đề ngân sách. Ảnh: CNN

Bất đồng về dự thảo ngân sách

Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực tránh nguy cơ suy thoái kinh tế, các cuộc đàm phán về dự thảo ngân sách vẫn bế tắc. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, có thể phải đến đầu năm 2023 Quốc hội Mỹ mới đạt thỏa thuận cuối cùng về cấp ngân sách hoạt động cho Chính phủ Mỹ đến hết tài khóa hiện tại (hết tháng 9/2023).

Phát biểu ý kiến với báo giới sau cuộc thảo luận với lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, về một gói ngân sách toàn diện, ông McConnell cho biết hai bên chưa thu hẹp được bất đồng. Trước đó, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho rằng các bên đàm phán nên đợi tới tháng 1/2023 khi đảng Cộng hòa bắt đầu kiểm soát Hạ viện.

Trong khi đó, ông Schumer hy vọng có thể hoàn tất dự thảo ngân sách toàn diện trong năm nay, dù thừa nhận vẫn còn nhiều nội dung cần đàm phán. Hai nghị sĩ đều khẳng định dự thảo ngân sách này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia. Chính phủ liên bang Mỹ dự kiến sẽ không còn ngân sách để hoạt động vào ngày 16/12 tới, nếu Quốc hội không bỏ phiếu thông qua dự thảo để duy trì hoạt động của chính phủ đến ngày 30/9/2023 hoặc một dự thảo ngân sách tạm thời.

Trong diễn biến mới nhất, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng kỷ lục trị giá 847 tỷ USD, cao hơn 45 tỷ USD so đề xuất của Tổng thống Joe Biden. Dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2023 bao gồm 817 tỷ USD cho Lầu năm góc và 30 tỷ USD cho các hoạt động hạt nhân. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện. Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua NDAA vào tuần tới, sau đó gửi tới Nhà trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.