Mỹ latin và Caribe có nguy cơ mắc kẹt “bẫy tăng trưởng thấp”

Ủy ban Kinh tế Mỹ latin và Caribe (ECLAC) của LHQ vừa đưa ra 80 khuyến nghị trên 7 trục hành động nhằm giúp khu vực Mỹ latin và Caribe thoát “bẫy tăng trưởng thấp”. Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực này phân bổ nguồn lực công trong các chính sách phát triển sản xuất chỉ vỏn vẹn 0,2%-1,2% GDP.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người ở Mỹ latin và Caribe phải di cư do cuộc sống khó khăn. Ảnh: AP
Nhiều người ở Mỹ latin và Caribe phải di cư do cuộc sống khó khăn. Ảnh: AP

Nỗi lo kẹt “bẫy tăng trưởng thấp”

Báo cáo “Toàn cảnh về chính sách phát triển sản xuất ở khu vực Mỹ latin và Caribe 2024” của ECLAC đưa ra các khuyến cáo về những cơ chế quản trị trong khu vực, cũng như năng lực kỹ thuật, hoạt động và các chính sách của các tổ chức phụ trách chính sách đối với những chuyển đổi cần thiết. Các công thức do ECLAC đưa ra nhằm mục đích làm nổi bật các lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế như ngành dược phẩm, khoa học đời sống, dịch vụ, chính phủ kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng, xe điện, du lịch bền vững và nền kinh tế tuần hoàn.

Báo cáo của ECLAC chỉ ra rằng, phân bổ nguồn lực công trong các chính sách phát triển sản xuất của tổng số 33 quốc gia khu vực Mỹ latin và Caribe chỉ tương đương 0,2%-1,2% GDP, thấp hơn nhiều so mức 3,5% GDP của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thư ký điều hành ECLAC, ông Jose Manuel Salazar-Xirinachs đánh giá những nỗ lực mà khu vực Mỹ latin và Caribe đang thực hiện về chính sách phát triển sản xuất là không đáng kể so thách thức về năng suất mà khu vực này phải đối mặt và những gì các nước khác đang thực hiện.

Với “bẫy tăng trưởng thấp”, trong giai đoạn 2014-2023, khu vực Mỹ latin và Caribe chỉ tăng trưởng trung bình 0,9% mỗi năm, thấp hơn mức 2% của cái gọi là “thập kỷ mất mát” trong những năm 80 thế kỷ trước. Nói cách khác, khu vực đã hoàn thành một thập kỷ thứ hai, nhưng kết quả đạt được còn ảm đạm hơn nhiều về mặt tăng trưởng. Theo ông Jose Manuel, để thoát khỏi tình trạng trên, chính phủ các nước trong khu vực cần đạt được sự chuyển đổi trong các mô hình phát triển, nâng cao năng suất và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Hỗ trợ tín dụng cho Argentina

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) Ilan Goldfajn thông báo sẽ cung cấp khoản tín dụng trị giá 3,8 tỷ USD cho Argentina. Theo đó, khoản tín dụng này sẽ bắt đầu được giải ngân ngay trong năm nay, nhằm hỗ trợ những nỗ lực cải cách kinh tế của Chính phủ Tổng thống Javier Milei, bởi Buenos Aires đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong khoảng thời gian ngắn.

Chủ tịch BID Ilan Goldfajn đánh giá cao quyết tâm cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Argentina, trong đó có việc cắt giảm đáng kể chi tiêu công, nhờ đó cán cân tài chính được cân bằng, với mức thặng dư 1,5% GDP vào cuối tháng 8 vừa qua so mức thâm hụt 2,9% cuối năm 2023. Ông khuyến cáo Argentina cần tiếp tục cải thiện hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ cấu lại nguồn lực để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, hướng tới mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm và đạt tăng trưởng toàn diện, lâu dài.

Ông Goldfajn cũng đánh giá cao những chính sách cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm nhiều quy định chồng chéo nhằm thu hút đầu tư của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ latin và Caribe. Theo Chủ tịch BID, Argentina có nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong sản xuất lương thực và khai thác khoáng sản; là nước xuất khẩu đậu tương, ngô và lúa mì hàng đầu thế giới, đồng thời là quốc gia đứng thứ ba về trữ lượng lithium.

Ông Ilan Goldfajn nêu rõ, trong khoản tín dụng 3,8 tỷ USD mà BID dự kiến cung cấp cho Argentina trong vòng hai năm, 2,4 tỷ USD dành cho khu vực công và 1,4 tỷ USD phân bổ cho 20 dự án của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng và khai khoáng. Người đứng đầu BID nhấn mạnh một khu vực công hiệu quả, các quy định được đơn giản hóa, phúc lợi xã hội vững chắc và khu vực tư nhân phát triển sẽ tạo ra một vòng tròn phát triển ổn định và tăng trưởng bền vững toàn diện cho Argentina.