Mỹ Đức nỗ lực về đích nông thôn mới

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô, chịu nhiều khó khăn về địa hình và điều kiện phát triển kinh tế, song đến nay, toàn bộ các xã của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Đức.
Huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Đức.

21/21 xã cán đích nông thôn mới

Từng thuộc diện vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn của thành phố Hà Nội, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) có xuất phát điểm rất thấp khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, An Phú chỉ có duy nhất 1/19 tiêu chí về quy hoạch đã đạt chuẩn, còn lại đa phần vẫn ở mức rất thấp như: thu nhập bình quân đạt 6,62 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 26,27%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 25%... Đặc biệt, thời kỳ đó, cán bộ xã chưa có ai đạt trình độ đại học.

Nhớ lại giai đoạn đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Đinh Công Võ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: Việc đầu tiên phải làm ngay là tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ. Năm 2011, chúng tôi lần lượt cử cán bộ xã đi học để nâng cao trình độ, từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo đạo Công giáo đồng hành cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Tin tưởng vào cán bộ, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trũng thấp, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ; cùng với đó là nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản, kết hợp nuôi dê, bò... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bước đi trên con đường bê-tông trải ra tận cánh đồng, ông Nghiêm Mạnh Điển, người dân thôn Đích Dương, xã An Phú chia sẻ: Năm 2014, theo sự vận động của cán bộ xã, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen. Thu nhập cũng tùy từng năm nhưng bình quân cứ một vụ sen hiệu quả bằng 2-3 vụ lúa nên đời sống cũng ổn hơn. Nhờ vào chương trình nông thôn mới mà giờ đây cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ở xã đã khang trang hơn xưa, bà con ai nấy đều phấn khởi.

Đến năm 2021 thu nhập bình quân của người dân xã An Phú đạt 55,1 triệu đồng/người/năm, tăng 48,48 triệu đồng so năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,78%, giảm 24,49% so năm 2012; 100% các tuyến đường trục xã, thôn, ngõ xóm đều đã được bê-tông hóa… đưa An Phú về đích trong việc xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, sau hơn 10 năm nỗ lực, ba xã khó khăn cuối cùng của huyện Mỹ Đức gồm An Phú, An Tiến và Đồng Tâm đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, thị trấn Đại Nghĩa tiếp tục đạt chuẩn văn minh đô thị. Riêng ba xã Phùng Xá, Hương Sơn, Hồng Sơn đang hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bài học về sức dân

Về Mỹ Đức những ngày này, đổi thay dễ nhận thấy nhất là có rất nhiều tuyến đường mới đã được đầu tư mở rộng, nối dài tới các ngõ xóm, làng quê. Dọc hai bên đường liên xã, liên thôn là những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó là những công trình trường, lớp học, nhà văn hóa, trạm y tế... cũng được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới. Là một huyện thuần nông, những năm qua, Mỹ Đức đã tích cực hỗ trợ người đân phát triển mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Đặc biệt tại Mỹ Đức đã và đang hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư… Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết: Những năm qua, chúng tôi tiết kiệm mọi nguồn lực để dồn sức cho công tác xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải tạo được cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để huy động sức dân vào cuộc. Có những vùng khó khăn như An Phú, thậm chí khi chưa có kinh phí, người dân còn tự góp tiền vào làm đường rồi trả sau.

“Đáng mừng nhất hiện nay là niềm tin của nhân dân vào Đảng ngày càng nâng cao. Thực tế có những việc rất khó nhưng khi Đảng lãnh đạo, chính quyền vào cuộc, người dân đồng lòng thì đều giải quyết được. Đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn trên địa bàn đều được người dân đồng tình cao. Tình hình khiếu nại, tố cáo các năm qua đều ở mức thấp nhất. Theo khảo sát, sự hài lòng của người dân năm 2020 đạt 99%...”, ông Đỗ Trung Hai nhấn mạnh.

Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư rất quan trọng nhưng cũng cần phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Hiện, Mỹ Đức còn bốn tiêu chí huyện nông thôn mới chưa đạt, gồm: y tế-văn hóa-giáo dục, kinh tế, môi trường và chất lượng môi trường sống. Theo Phó Bí thư Đỗ Trung Hai, điển hình như thực hiện chỉ tiêu cung cấp nước sạch phục vụ người dân, trên địa bàn huyện có nguồn nước sông Đáy chảy qua, nhưng ô nhiễm nặng không thể sử dụng, còn nguồn nước hồ Quan Sơn không đủ trữ lượng, cần có đường ống dẫn nước từ nguồn nước tập trung của thành phố. Hay việc xây dựng cụm công nghiệp ở xã Phùng Xá và thị trấn Đại Nghĩa lại vướng quy hoạch vùng thoát lũ. Khó khăn nữa là xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư nhưng vướng cơ chế đất đai nên chưa xây được nhà xưởng… Những việc này không chỉ đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn mà rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc từ thành phố.

Mới đây, tại hội nghị giao ban quý II năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch, nhất là đối với ba huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, để trong năm 2022, toàn bộ các huyện của Hà Nội đều đạt chuẩn nông thôn mới.