Mỹ điều tra “đế chế” giao dịch tiền điện tử

Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Mỹ cáo buộc sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance và Giám đốc điều hành (CEO) Changpeng Zhao vi phạm các quy định về giao dịch. Động thái này nằm trong chiến dịch phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường tài sản kỹ thuật số hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sáng lập và CEO của Binance Changpeng Zhao. Ảnh: AP
Nhà sáng lập và CEO của Binance Changpeng Zhao. Ảnh: AP

Ngày 27/3, Chủ tịch CFTC, ông Rostin Behnam cho biết, Zhao cùng ban điều hành Binance tạo nên “đế chế” tiền kỹ thuật số song đã không tuân thủ đầy đủ quy định về giao dịch ở Mỹ. Binance do Zhao, người Canada gốc Trung Quốc thành lập tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2017, sau đó chuyển đến Tokyo (Nhật Bản) và tiếp đến là Malta - một đảo quốc ở Nam Âu. Hiện công ty mẹ của Binance đăng ký trụ sở tại quần đảo Cayman (Anh).

Nền tảng giao dịch toàn cầu của Binance là mạng Binance.com, là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Sàn giao dịch này cung cấp các giao dịch trao đổi tiền điện tử cũng như một loạt dịch vụ về mã thông báo không thể thay thế (NFT), các khoản vay tiền điện tử và quản lý tài sản. CFTC là một ủy ban độc lập thuộc Quốc hội Mỹ, cho biết Binance đã không tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc đối với một công ty có giao dịch lớn hoạt động trong thị trường phái sinh của Mỹ. Giới chức nước này lo ngại, việc các công ty không thực hiện quy trình tuân thủ cơ bản có thể dẫn đến các hoạt động tài trợ cho khủng bố hay rửa tiền.

Theo Reuters, thị trường tiền kỹ thuật số toàn cầu được định giá ở mức hơn 1.000 tỷ USD và con số này tăng mạnh trong những tháng gần đây, song vẫn còn thấp hơn nhiều so mức đỉnh 3.000 tỷ USD vào năm 2021. Theo báo cáo trên trang web, Binance.com có khoảng 128 triệu người dùng, với hơn 7.500 nhân viên trên khắp thế giới. Công ty này cũng là một trong những thương hiệu có đông đảo lượng người theo dõi trên các mạng xã hội, với hơn 10 triệu người theo dõi trên Twitter. Forbes cho biết, năm 2022, Binance.com đã xử lý các giao dịch tiền điện tử trị giá khoảng 23 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát độc lập thuộc Quốc hội Mỹ cho rằng, là một công ty tư nhân, ban lãnh đạo của Binance đã không công bố thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và dự trữ tiền mặt. Một phân tích của Reuters về hồ sơ công ty của Binance vào năm 2022 cho thấy, cốt lõi của hoạt động kinh doanh là sàn giao dịch Binance.com hầu như không đưa ra một báo cáo tài chính rõ ràng nào với công chúng. Công ty đã từ chối báo cáo với giới chức Mỹ do lập luận rằng tiền kỹ thuật số không nằm trong diện phải tuân thủ các quy định tài chính. Kể từ tháng 7/2019, ban lãnh đạo Binance đã ngừng chấp hành các biện pháp giám sát giao dịch tài sản công khai.

CEO Zhao của Binance đã lên tiếng phản hồi những cáo buộc vừa qua của CFTC và cho biết “không đồng ý với một số vấn đề trong đơn khiếu nại”. Zhao đồng thời lập luận rằng công ty này có trách nhiệm thực hiện các cam kết bảo mật thông tin cho khách hàng.

Hiện ở Mỹ đã có những quy định khá chặt chẽ liên quan giao dịch tiền kỹ thuật số. Vì vậy CFTC cho rằng, Binance đã hướng dẫn các nhân viên và khách hàng thực hiện thao tác nhằm “lách luật” để tối đa hóa lợi nhuận của công ty. Đơn vị này đang yêu cầu Binance đóng các khoản tiền phạt, hoàn trả những thu nhập bất chính và không loại trừ khả năng áp lệnh cấm giao dịch vĩnh viễn. Trước đây, đối mặt những án phạt tài chính của giới chức Mỹ, nhiều công ty lớn đã phải thực hiện các khoản dàn xếp lên tới hàng triệu USD.

Cuộc điều tra các hoạt động Binance diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ đang siết chặt quy định với các công ty tiền điện tử. Các cáo buộc nhằm vào Binance được đưa ra chỉ vài tuần sau khi hai ngân hàng cho vay “thân cận” của giới đầu tư tiền kỹ thuật số tại Mỹ là Silvergate và Signature sụp đổ, khiến hoạt động kinh doanh liên quan loại tiền này gặp nhiều khó khăn.