Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, các tác nhân vi sinh vật, hóa chất theo dòng nước sẽ tràn ra nhiều nơi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Vấn đề cần quan tâm hiện nay của khu vực miền trung là thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường. Trong điều kiện đó sẽ xuất hiện những bệnh đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, lỵ, thương hàn cũng như các bệnh tay - chân - miệng.
Ngoài ra còn có những vấn đề sức khỏe rất đáng lo ngại như ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bị ô nhiễm ở các vùng lũ lụt. Do ngập lụt, người dân có thể phải sống trong cảnh ngập nước, do đó nhiều bệnh có nguy cơ phát triển như lở loét bàn chân, viêm da, các bệnh phụ khoa của phụ nữ, các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, đau mắt hột. Khi mưa nhiều, muỗi có điều kiện sinh sôi, gây ra các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét. Đặc biệt, trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp tai nạn thương tích, đuối nước đã xảy ra ở khu vực này.
Thị xã Hương Trà là địa phương ở vùng thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi nước rút, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã nhanh chóng lên các phương án phòng ngừa dịch bệnh. Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị hóa chất, vật tư và tất cả các phương tiện máy móc. Riêng việc thau vét bọ gậy và xử lý môi trường, địa phương đã huy động các tổ chức đoàn thể tham gia!”.
Theo TS Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý môi trường y tế đang tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, về cơ bản, tình hình dịch bệnh ở hai tỉnh trong và sau bão lụt vẫn đang được kiểm soát tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra do ngành y tế các tỉnh này đã có kế hoạch chuẩn bị tốt và ứng phó bảo đảm xử lý nước và vệ sinh môi trường sau khi nước rút. “Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ bùng phát về bệnh đường tiêu hóa và tay - chân - miệng, ngộ độc thực phẩm, sốt xuất huyết, da liễu, đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa. Bên cạnh đó cần lưu ý đến tình hình tai nạn thương tích, thí dụ như đuối nước xảy ra ở những nơi ngập lụt”, ông Cường nói.
Giữ nước sạch, thực phẩm sạch
Hiện các cơ quan y tế đã phối hợp chính quyền địa phương tăng cường giám sát chất lượng nước cũng như hỗ trợ cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân tại khu vực thành phố và thị xã.
Đối với các khu vực khác, đặc biệt ở những vùng bị cô lập hoặc tách biệt, TS Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, tùy theo tình hình thực tế, người dân có thể sử dụng nước tích trữ hay sử dụng nguồn nước mưa. Trường hợp không có những nguồn nước trên thì lúc đó bắt buộc phải xử lý nguồn nước trước khi sử dụng.
Việc xử lý nguồn nước cần theo hướng dẫn của cán bộ y tế và lưu ý một số điểm như sau: Phải chọn lấy nước ở nơi ít bị ô nhiễm nhất, tiếp đó thực hiện lọc trong bằng nhiều cách: Có thể sử dụng phèn chua, lọc bằng bể cát hoặc sử dụng vải màn để lọc, sau đó tiến hành khử khuẩn. Khử khuẩn hết sức đơn giản, hiện nay cán bộ y tế đã cấp cho tổ, thôn và người dân các viên Cloramin hoặc Aquatabs để sử dụng. Một điều hết sức quan trọng là sau khi khử khuẩn xong thì tất cả nước đó vẫn phải được đun sôi khi ăn uống.
Ngoài vấn đề thiếu nước, người dân cần thích ứng cuộc sống trong điều kiện mưa lũ và trong điều kiện hoàn cảnh thay đổi, khó khăn. Tuy nhiên, luôn phải ăn chín, uống sôi để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Vấn đề thực phẩm phải bảo đảm, nếu không đun nấu được nên dùng thực phẩm khô, thực phẩm đóng hộp và tuyệt đối không sử dụng thức ăn ôi thiu, quá hạn.
Tại thời điểm này, các cán bộ y tế đã có các giải pháp tuyên truyền hướng dẫn cho người dân cũng chuẩn bị các phương án đối phó tình hình thực tế. Đối với khu vực ngập lụt miền trung, cần quan tâm đến dịch bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, các bệnh liên quan đến da, các bệnh liên quan đến đau mắt do tiếp xúc với nước bẩn hoặc gia tăng sốt xuất huyết và một điều không thể thờ ơ là giám sát phòng, chống Covid-19.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân phải theo dõi thông tin thời tiết, diễn biến mưa, lũ, ngập lụt để kịp thời trú tránh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, hoa màu. Trước mỗi đợt bão, người dân phải có kế hoạch cho gia đình và phối hợp chính quyền địa phương tham gia phòng, chống bão, lụt. Cụ thể: Tích trữ lương thực, thực phẩm, nước; đặc biệt người dân ở vùng trũng thì nên kê cao tủ, chạn đồ dùng, vật dụng và chuyển thiết bị thiết yếu, nhu yếu phẩm lên trên gác cao, chuẩn bị phương án để khi ngập lụt có thể phòng tránh hoặc di chuyển tài sản, vật nuôi lên khu vực an toàn.