Mưa lũ tàn phá Lai Châu

Mưa lũ những ngày qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân Lai Châu, trong đó có ba người chết và mất tích, ước thiệt hại tài sản khoảng 30 tỷ đồng.

Một tuyến đường ở Lai Châu bị sạt lở.
Một tuyến đường ở Lai Châu bị sạt lở.

Mất mạng do mưa lũ

Chúng tôi có mặt tại bản Mường1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên khi cả bản chưa hết bàng hoàng nghe tin chị Tòng Thị Dơm, bị dòng nước lũ cuốn. Ngôi nhà nhỏ không một bóng người, bốn bố con anh Giai, chồng chị Dơm cùng mọi người xuôi dòng Nậm Kim để tìm thi thể chị.

Anh Hoàng Văn Yêu, Trưởng bản Mường 1 chia sẻ: “Dòng Nậm Kim ngày thường hiền hòa, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cả bản. Nhưng những ngày qua, mưa lớn ở đầu nguồn, đã khiến dòng nước trở nên hung dữ, xã, bản đã cảnh báo người dân không ra suối, bắt cá, vớt củi... Nhưng chị Dơm đã không nghe, ra suối bắt cá. Dòng nước quá lớn, chị Dơm bị trượt chân ngã xuống suối bị cuốn trôi”. Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng đã phối hợp với dân bản đi xuôi dòng để tìm thi thể chị.

Cũng tang thương như bản Mường 1, tại gia đình ông Tòng Văn Bòng, sinh năm 1964, bản Én Luông, xã Mường Than, huyện Than Uyên, người thân vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi ông Bòng bị nước lũ cuốn trôi. “Ngay sau khi biết tin ông Bòng bị lũ cuốn trôi, bản và xã đã tổ chức tìm kiếm thi thể, sau vài giờ đã tìm thấy thi thể ông Bòng tại cống nước. Vì ông Bòng sống đơn thân, không vợ, con nên lãnh đạo xã, bản đã chỉ đạo mọi người làm ma, chôn cất. Xã cũng đã hỗ trợ gia đình ông Bòng 5,4 triệu đồng để lo ma chay”, ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Than buồn rầu tâm sự. Anh Lường Văn Pành, Trưởng bản Én Luông, chia sẻ: “Ông Bòng hằng ngày sống rất tốt, hòa đồng với mọi người trong bản, nhà nào có việc ông đều đến giúp đỡ. Ông sống độc thân, mọi người rất thương, khi ông không may bị dòng nước cuốn trôi, cả bản không ai bảo ai, cùng nhau lo tang lễ cũng như đưa ông về nơi yên nghỉ”.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, rất hay xảy ra mưa lũ, nhất là lũ ống, lũ quét... khi mưa lớn các cấp chính quyền cảnh báo mọi người không đi qua suối, đánh bắt cá, vớt củi, các bậc cha mẹ không cho con cái ra suối chơi. Trong những ngày mưa lũ vừa qua, lúc 8 giờ sáng ngày 4-7 tại suối Nậm Hay, bản Nậm Hay, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, nước lũ đã cuốn trôi cháu Lò Thị Linh, sinh năm 2015. Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã Nậm Hăn và gia đình đã khẩn trương tìm kiếm thi thể cháu Linh, đến 10 giờ cùng ngày đã tìm thấy thi thể cháu dưới hạ lưu dòng Nậm Hay, cách nơi xảy ra tai nạn hơn một km.

Tàn phá kế sinh nhai

Chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, toàn tỉnh Lai Châu có gần 300 ha lúa, ngô bị ngập cục bộ, dập nát; gần một ha ruộng bị vùi lấp; nhiều gia súc bị chết; hơn một ha ao cá bị vỡ bờ cuốn trôi; hơn bốn ha thảo quả bị sạt lở, gãy hỏng. Gần 40 nhà bị sạt lở đất, đá vào nhà; một số lán nương bị cuốn trôi, hàng chục hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở phải di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Cùng với đó, mưa lũ đã làm gần 30 công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt của người dân bị hư hỏng. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã và giao thông nông thôn trên địa bàn bị sạt lở đất, đá; mưa lũ cũng cuốn đi hai cầu tạm dân sinh. Tuyến quốc lộ 4D, giao thông huyết mạch của tỉnh Lai Châu thường xuyên sạt lở đất gây ách tắc giao thông. Mặc dù đã huy động tối đa máy móc để thông đường nhưng khối lượng đất đá sạt xuống quá lớn đã làm hệ thống giao thông tê liệt cục bộ. Một số nhà công vụ như: trụ sở UBND xã và Trạm Y tế xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ, một trường mầm non xã Phúc Than, huyện Than Uyên, bị đất đá sạt lở, vùi lấp... Tổng khối lượng đất đá sạt lở làm ảnh hưởng các công trình giao thông lên đến gần 30.000 m3..., ước tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Ban Chỉ huy tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, sở, ngành thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả.

Đồng thời, các địa phương cũng chỉ đạo các xã tuyên truyền nhân dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức thu dọn khối lượng đất đá trên các tuyến giao thông nội bản; thành lập các tổ công tác tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ các hộ dân bị thiệt hại, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.