Mùa “lộc trời” xứ Huế

Sau những ngày nắng gắt kéo dài, vùng đất Cố đô trong những ngày đầu hè đã có vài đợt mưa ngắn. Những cơn mưa quý không chỉ xoa dịu sự oi bức, mà đặc biệt hơn còn ban cho người dân xứ này một loại “lộc trời”: những cọng nấm tràm.

Nấm tràm được thu hái đem về bày bán ở phía trước đàn Nam Giao (Huế).
Nấm tràm được thu hái đem về bày bán ở phía trước đàn Nam Giao (Huế).

Lên đồi tìm nấm

Những cơn mưa dông sau những ngày nắng hơn 40°C khiến mùa nấm tràm năm nay có sớm. Phía trước đàn Nam Giao là khu chợ nấm tràm “lưu động” lớn nhất. Có bao nhiêu nấm tràm đều được dân đi hái đổ về đây, ngược lại người mua cũng tìm tới để lựa cho mình những cọng nấm ngon nhất.

Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi tìm về khu chợ nấm tràm trước mặt đàn Nam Giao. Rất nhiều giỏ nấm tràm được người hái từ nhiều nơi vận chuyển bằng xe máy về đây bày bán. Người bán, người trả giá nhộn nhịp cả dãy đường. “Một ký nấm dao động từ 40.000 - 50.000 đồng. Nấm đầu mùa nên đắt hơn so mọi năm”, chị Nguyễn Thị Thảo, người hái nấm ở vùng Bình Thành (thị xã Hương Trà) cho biết. 

Cũng như chị Thảo, người hái nấm phần lớn sống khu vực phía tây của thành phố, gần với các bìa rừng, nơi có nhiều cây tràm. Theo chân những người hái nấm, chúng tôi băng qua những rặng cây rậm rạp vào một khu rừng gần thủy điện Hương Điền để cùng nhau “săn” từng cọng nấm.

Như mọi năm, phải đến đầu tháng 7, sau những trận mưa xối xả, trời hửng nắng thì đợt nấm tràm đầu tiên mới nở rộ. Năm nay lại khác, sau đợt nắng nóng kéo dài, vạt rừng tràm đang khô bỗng gặp mưa do ảnh hưởng của vài trận áp thấp khiến nấm bật nở. Người “săn” nấm chuyên nghiệp như chị Thảo khá sành sỏi về thời tiết, họ biết đó là tín hiệu có “lộc trời” ban cho nên kéo nhau đi hái. Cứ thế, hái được chừng nào họ lại đưa về xuôi.

Anh Nguyễn Văn Vũ, 47 tuổi, một người chuyên hái nấm tràm ở Bình Điền (thị xã Hương Trà) kể rằng, những ngày đầu mùa, chỉ cần hái chưa đầy hai giờ là đã đầy một gùi hơn 50 kg. Cứ đầy gùi, anh lại đưa ra cho vợ chở về để kịp bán trong ngày. Theo kinh nghiệm của anh Vũ, chỉ cần có một trận mưa thì vài hôm sau nấm tràm đã xuất hiện. “Như kiểu “tức nước vỡ bờ”, nấm đã mọc thì cứ lên liên tục cho đến khi kiệt thì thôi”, anh Vũ nói. 

Món ngon khoái khẩu

Nấm tràm năm nay tuy nở sớm do thời tiết nhưng đổi lại, sản lượng lại nhiều hơn mọi năm và rất được giá nên nhiều gia đình tranh thủ kéo nhau đi hái. Nhiều người cũng tạm gác công việc quen thuộc thường ngày như may vá, bán hàng ăn để “săn lộc trời” bởi thu nhập hấp dẫn.

“Ước chi nấm nở quanh năm mà hái. Món ni người Huế ai cũng thích, ăn hoài mà không biết ngán”, chị Nguyễn Thị Vui ở phường An Tây (TP Huế) vừa hái nấm từ bìa rừng cạnh khu vực Chín Hầm trở về hồ hởi. Chị Vui cho biết, ban đầu chỉ có ý định hái để ăn trong gia đình, nhưng khi thấy nhiều người đem ra khu chợ trước mặt đàn Nam Giao bán nên cũng ham. “Tui vừa đổ trong tải ra đã có người mua hết 30 ký luôn”, chị Vui hớn hở.

Không chỉ người hái nấm vui mà cả người mua cũng tỏ ra sung sướng, bởi phải chờ rất lâu mới có thể ăn được món ngon khoái khẩu. Sau khi mua về, nấm tràm được cắt phần chân, gọt phần vỏ, ngâm với nước muối sau đó chế biến với các món rau, thịt, hải sản… Nấm sau khi chế biến ăn có vị đắng nhẩn với những người chưa quen nhưng hậu vị lại ngọt và là thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Với nhiều người Huế, vào mùa nấm, ngoài chế biến món ăn cho gia đình, nấm tràm còn là đặc sản để tặng biếu những người thân, bè bạn. “Mấy ngày ni con tui ở TP Hồ Chí Minh thấy ai đó khoe trên Facebook nên gọi ra hỏi thăm và nhắc mạ đóng thùng gửi vô biếu bạn bè nấu nướng trong những ngày giãn cách. Chú thấy đó, tui mua 50 ký, về gọt, làm sạch, sau đó cấp đông rồi đóng gửi vào cho hắn đây. Nhiều vậy chứ khi làm sạch chỉ còn chục ký thành phẩm thôi, công làm cũng cực lắm, nhưng người đi xa đến mùa mà không nhớ vị đắng của nấm tràm là hết thương Huế rồi”, chị Nguyễn Thu Thủy (phường Tây Lộc, TP Huế) nói vui. 

Tên khoa học của nấm tràm là tylopilus felleus, còn gọi là boletus felleus bull, không có độc tính. Loài nấm này sống cộng sinh trên cây tràm (bản địa), tràm hoa vàng, keo tai tượng và bạch đàn và chỉ mọc trong thời gian ngắn. Bào tử nấm phát tán trong tự nhiên, gặp mưa với độ ẩm thích hợp thì tạo mầm thành sợi nấm, sống cộng sinh tại phần rễ của cây tràm nên gọi là nấm tràm. Nấm tràm có tai nhỏ, tròn, mầu tím nhạt có vị đắng đặc trưng. Đông y sử dụng loại nấm này để chữa mỏi mệt, cảm cúm, giải độc, giải rượu, còn các bà nội trợ Huế thường dùng nấm tràm để nấu cháo, nấu canh với rau lang, kho tiêu, hoặc xào với thịt, hải sản.