Mùa hái dong rừng
Những năm trước, chỉ dịp Tết mới gói bánh chưng nên cận Tết mới là dịp nô nức đi hái lá dong rừng. Gần đây, đời sống khá giả, bánh chưng gói bán quanh năm, thậm chí có cả những làng nghề bánh chưng như Bờ Đậu (Thái Nguyên) nên lá dong được khai thác thường xuyên. Cũng chính vì thế, lá dong rừng cạn kiệt, muốn tìm, muốn lấy ngày càng phải đi xa, vất vả.
Chúng tôi theo chân chị Hoàng Thị Yến, xã Yên Phong lên rừng tìm lá dong. Vừa cầm dao phát quang lối lên, chị Yến vừa nói: “Kinh nghiệm đồng bào cho thấy, cây lá dong chỉ mọc ở những vùng ẩm ướt dưới tán rừng, nhất là ven những dòng suối nhỏ. Nắm bắt được điều này, dịp gần Tết bà con cứ men theo suối, khe nước ngược lên rừng là kiểu gì cũng thấy lá dong”.
Dưới tán rừng, bãi dong xanh hiện ra, lá to bản, đung đưa trong gió lạnh mà vẫn một mầu xanh mướt. Thoăn thoắt dùng dao cắt, hái, chỉ một lát chị Yến đã thu về hai bó to. Lá dong giờ đang có giá, với lá đẹp chọn cứ 1.000 lá sẽ thu về từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. “Cây mọc tự nhiên nhiều nên mang lại thu nhập khá ổn định. Dịp cuối năm, chịu khó thu hái cũng đủ trang trải tiền mua sắm”, chị Yến vui vẻ.
Khoảng nửa tháng trước Tết, những người đi rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bắt đầu “chiến dịch” lấy lá dong về để bán. Để có được “mẻ” lá đẹp, các thợ lấy lá dong phải cố gắng trèo đèo lội suối, băng rừng sâu. Với độ che phủ rừng cao nhất cả nước thì Bắc Kạn thật sự là “vựa” lá dong. Thường để vào vùng “lõi” có nhiều lá dong đẹp, người đi cắt lá phải dậy từ sớm, chuẩn bị cơm nước mang theo. Với quãng đường đi bộ từ 10-15km, họ phải cuốc bộ tầm hơn tiếng mới tới nơi.
Sau khi được tập kết về nhà, lá dong được ngâm phần cuống vào chậu nước sạch thay mới thường xuyên nên giữ được mầu xanh lâu. Nếu làm đúng kỹ thuật, lá dong có thể để được hơn một tháng mà vẫn xanh tươi. Hiện nay, phần nhiều khách buôn đến tận nhà lấy cả mẻ bằng ô-tô hoặc gia chủ chở đến các chợ đầu mối để giao cho lái buôn.
Thuần hóa dong rừng
Huyện Chợ Đồn là “thiên đường” của loài cây lá dong rừng vì nhiều đồi, núi đất không quá cao, lại có nhiều khe, lạch, suối nước róc rách đêm ngày. Nhưng nhiều mấy thì cứ khai thác tự nhiên cũng cạn, thế là ý tưởng thuần hóa, trồng cây dong rừng ra đời rất tự nhiên. Nhà nào cũng có đôi ba ha rừng trồng thế nên đều thừa đất để trồng dong.
Bên những khóm dong cao lút đầu người, chị Dương Thị Oanh, bản Pác Khoang, xã Yên Mỹ giải thích: “Ngày trước ở thôn chưa nhiều người trồng cây lá dong. Từ khi có phong trào trồng rừng, nhận thấy dưới tán rừng cây lá dong phát triển rất tốt, khóm nào cũng to, lá đồng đều, xanh mướt nên tôi nảy ra ý tưởng trồng cây lá dong, vừa thu hoạch dễ, bán lại được giá. Cứ thế, dần dần gia đình tôi tự nhân rộng, đến nay diện tích khoảng 1ha, mỗi năm khai thác hai lần”.
Là một trong những người sớm đánh thức tiềm năng từ việc trồng cây dong rừng dưới tán rừng nên chị Oanh đã khá thành thạo. Chị chia sẻ: “Cây lá dong chỉ phù hợp nơi có bóng râm mát, khe nước. Cây rất dễ trồng, không phải mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, mỗi năm chỉ hai lần làm cỏ. Cây giống thì chỉ việc vào rừng đào lấy từng khóm cây nhỏ mang về trồng. Sau ba năm khóm tự nhân ra nhiều nhánh, một khóm có thể cho thu hoạch liên tục nhiều năm. Ưu điểm khi trồng cây không mất chi phí đầu tư phân bón, vì loài cây này sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên, ở địa hình đất ẩm, râm mát, cây càng phát triển”.
Lá dong Bắc Kạn có nhiều ở các huyện trong tỉnh như Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì, ngoài các diện tích tự nhiên, nhiều hộ đã bắt đầu trồng cây dong để bán. Đến nay, lá dong Bắc Kạn được lái buôn chở đi bán khắp các tỉnh lân cận với số lượng lớn. Năm nào thương lái cũng thu gom lá ở tất cả các huyện rồi chở bán về các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Ngày cao điểm tiêu thụ đến hàng vạn lá. Lá dong to và lá dong nhỏ đều được phân loại và có giá khác nhau.
Lá dong Bắc Kạn những ngày này đang được vận chuyển ngược xuôi đi muôn nơi, đến với mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về.
Từ chỗ trồng để tiện lấy lá dong cho gần, giờ cây dong lại đang trở thành mũi nhọn kinh tế ở bản Pác Khoang. Trưởng bản Đặng Văn Thức vui vẻ cho biết: “Cả bản 38 hộ thì hiện đã có tới 21 hộ trồng cây lá dong, hộ trồng nhiều lên tới 2ha. Cây chủ yếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, nếu trồng ở rừng keo thì cây càng nhanh phát triển. Nhờ cây lá dong, nhiều hộ trong thôn có thu nhập vài chục triệu đồng/năm”.