Ngoài ngôi nhà trong xóm chuyên để thóc lúa ra thì mẹ nuôi tôi còn có một ngôi nhà ngoài phố, vậy tôi mới có được đêm nghe tiếng chân trâu huỳnh huỳnh.
Tôi bị khua dậy bởi tiếng chân trâu ngoài đường quốc lộ. Mà tiếng chân trâu thì biết rồi đấy. Một con trâu đi trên đường đã huỳnh huỵch rồi huống hồ là tiếng chân trâu của cả một đàn trâu cùng nện trên mặt đường nhựa. Một đàn trâu chí ít cũng chục con trâu trở lên, thực ra phải mấy chục con trâu. Tiếng chân trâu từ xa đã dồn dập đến tỉnh giấc.
Chợ Bần quê tôi là một chợ to trong vùng, chợ lại nằm ngay sau dãy phố nên cũng tiện. Nói là to là vì chợ có diện tích rộng. Chợ to là bởi khắp các làng xã trong vùng cứ đều đặn theo ngày phiên là tới chợ. Mà chợ to cũng bởi chỉ có chợ ấy mới có “chợ trâu”.
Chợ trâu họp ngay sau đình. Trước đình làng là chợ dân sinh. Chợ mua bán trâu hay như mẹ nuôi tôi gọi thì được người dân gọi là “chợ đường trâu”. Chợ đường trâu là gì? Tôi hỏi lại thì mẹ nuôi tôi bảo: “Người ta gọi thế thì u cũng gọi thế”.
Chợ đường trâu họp không theo phiên nhưng tấp nập nhất là vào dịp chuẩn bị làm ruộng. Chỗ sau đình là một bãi đất rộng, không có lều lán. Nửa đêm, khi những tiếng chân trâu huỳnh huỳnh nện ngoài đường nhựa chợt nhỏ dần, trâu đã được dẫn theo lối ngõ đường đất để vào chợ. Trâu được thả đứng túm tụm, chứ ít khi cột bởi trâu đồng rừng chưa được vắt mũi, nghĩa là chúng chưa được người ta luồn dây thừng qua mũi để thực hiện việc dắt.
Có một đêm tôi bị mẹ nuôi dựng dậy, chả là tôi từ chiều hôm trước đã “giao kèo” với bà là phải cho tôi đi xem chợ trâu. Bà vốn chiều tôi nên đồng ý. Mẹ nuôi tôi dẫn tôi vào chợ. Chao ơi, trời tối đen như mực. Đèn đóm lập lòe và thi thoảng mới thấy. Trước mắt tôi là đàn trâu lớn, tôi nhận ra chúng bởi một đám đen sì sì, bởi mùi nước đái trâu khai mù, bởi mùi phân trâu hoắc mũi.
Theo chân mẹ nuôi, tôi “hòa” vào chợ. Lúc này những người tìm mua trâu đã có mặt từ chiều tối, họ tới chợ sớm để mong mua được con trâu như ý. Cũng đưa tay lần sờ mình trâu, cũng đưa tay lần sờ mông trâu. Có lúc tôi còn sờ cả vào sừng trâu. Người mua trâu lần sờ mông trâu để xem chúng gầy béo thế nào. Mà trâu đi bộ cả tháng trời thì béo làm sao được. Người mua trâu cứ lần sờ cho ra vẻ thế thôi chứ trời tờ mờ lắm. Mua được là tốt rồi.
Mãi đến khi trời tỏ mặt người thì mẹ nuôi tôi cũng mua được một con trâu. Bà vui lắm cứ chỉ tay xoa xít những cái xoáy ở ngay chính giữa đầu con trâu, rồi bà lại dẫn tôi về phía sau, bà lại chỉ tay vào cái xoáy tròn xoe ở mông trâu, bà bảo: “Con trâu này đẹp mã và cày khỏe lắm đây”. Rồi bà lấy tay lúc đẩy người trâu, khi đẩy đầu trâu, để nó đi theo lối về nhà. Tôi đi sau thỉnh thoảng “được lệnh” thì vỗ đét vào mông thúc nó đi nhanh.
Bây giờ hình như người làm ruộng không cày bừa bằng trâu nữa. Đã có cày bừa máy thay sức trâu rồi. Chợ đường trâu ở quê tôi cũng không còn. Về làng quê bây giờ không còn nghe tiếng sừng trâu khua gióng chuồng kêu cọc cọc. Tôi bỗng nhớ những ngày theo chân người anh họ dong trâu ra đồng cho nó gặm cỏ. Khoái nhất là được anh cho tôi ngồi trên lưng trâu.