Mong muốn giảm áp lực kỳ thi THPT

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch, phương án thi sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố vào quý IV/2023, nhưng đến thời điểm này, thông tin về kỳ thi vẫn chưa có, khiến học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh và giáo viên đều mong muốn giảm bớt môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp 2025.
Thí sinh và giáo viên đều mong muốn giảm bớt môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp 2025.

1/Bộ GD&ĐT đưa ra ba phương án thi. Trong mỗi phương án đều có môn bắt buộc và môn tự chọn. Phương án 4+2 tức là bốn môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và hai môn lựa chọn. Phương án 3+2 tức là ba môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và hai môn lựa chọn. Phương án 2+2 tức là hai môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán và hai môn lựa chọn.

Hiện nay, thí sinh tốt nghiệp THPT thi sáu môn là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp ba môn khoa học tự nhiên (KHTN) hoặc khoa học xã hội (KHXH) tùy theo lựa chọn của mỗi cá nhân. Phương án cho năm 2025 vẫn chưa được quyết định nhưng thí sinh và giáo viên đều mong muốn giảm bớt môn thi, giảm bớt áp lực so với hiện nay.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã tiến hành các đợt khảo sát trên phạm vi cả nước. Kết quả cho thấy là những phương án thi ít môn được lựa chọn nhiều hơn. Khảo sát thứ nhất thực hiện với gần 130.700 cán bộ, giáo viên cho kết quả: Gần 74% chọn phương án thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn lựa chọn. Khảo sát thứ hai thực hiện với hơn 200 lãnh đạo Sở GD&ĐT và các phòng chuyên môn thuộc sở GD&ĐT cho thấy: Gần 69% chọn phương án thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn lựa chọn.

Khảo sát thứ ba tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang về hai phương án thi là 4+2 và 2+2 thì cho kết quả: Gần 60% chọn thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn khác.

“Nếu chỉ ôn thi ba môn chắc chắn chúng em sẽ bớt đi một phần áp lực. Việc có thêm môn thi thứ tư đồng nghĩa với số tiết học trên lớp cũng như học thêm sẽ tăng lên. Chưa tính đến việc, Lịch sử không phải là thế mạnh của những bạn định hướng thi tổ hợp môn A00 như em”, em Hoàng Thanh Hải, học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ.

Mặc dù đang cân nhắc lựa chọn thi hai tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D00 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) nhưng em Lê Mai Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bày tỏ mong muốn được giảm bớt gánh nặng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. “Những bạn thi khối C00 và D00 như em, nếu thi theo phương án có bốn môn bắt buộc thì em sẽ phải ôn thi thêm một môn tự chọn nữa. Điều này vô cùng áp lực”, Mai Anh nói.

Em Nguyễn Trà My, học sinh lớp 11, Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng hy vọng Bộ GD&ĐT giữ nguyên ba môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Toán, Ngoại ngữ và Ngữ văn. “Chúng em là lứa học sinh THPT đầu tiên học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới nên còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng em không thể theo kịp chương trình trên lớp nếu không ôn tập nâng cao nhiều hơn gấp hai-ba so với những gì học trên lớp. Em mong muốn được giảm lượng kiến thức trong bài thi THPT”, Trà My chia sẻ.

2/Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng ủng hộ phương án 2+2 với lý do: Bảo đảm đánh giá được năng lực và phẩm chất học sinh; giảm áp lực thi cử; phù hợp cho giáo viên, học sinh các trường miền núi. “Thực tế, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường miền núi chưa đủ số lượng và đồng bộ cơ cấu môn học; khả năng, cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ hạn chế; số học sinh có nhu cầu học đại học sau tốt nghiệp THPT không cao. Do vậy, cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp với môn Ngữ văn đại diện cho KHXH, môn Toán đại diện cho KHTN và hai môn lựa chọn theo năng lực, sở trường của học sinh. Kết quả các môn thi đủ để đánh giá năng lực và phẩm chất người học, bảo đảm đúng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Có ý kiến cho rằng, phương án này ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ của học sinh. Theo thầy Nguyễn Văn Hùng, điều đó đúng, nhưng chưa toàn diện. Cần đặt lại câu hỏi: Có phải tất cả học sinh sau khi tốt nghiệp phải có ngoại ngữ để lập thân, lập nghiệp? Tất cả có năng lực ngôn ngữ như nhau? Từ đó nhấn mạnh bản thân đồng tình với phương án 2+2; còn việc tuyển sinh của các trường đại học thực hiện theo quy định, nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Cô Phạm Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhận định phương án thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, cùng hai môn lựa chọn phù hợp, giảm áp lực thi cử cho thí sinh, tiết kiệm thời gian, chi phí. Học sinh có thời gian ôn luyện môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng: Mỗi phương án có tính logic riêng. “Tuy nhiên, nếu được lựa chọn tôi thiên về việc chỉ thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và ít nhất là hai môn tự chọn trong số các môn còn lại. Về mặt cơ học, việc này rút ngắn thời gian thi trong vòng 1,5 ngày. Phương án này cũng đáp ứng cả hai mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học”, vị chuyên gia nhận định.

Khẳng định vai trò của việc học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhưng thầy Ngọc cho rằng mỗi cá nhân có nguyện vọng khác nhau. Trong vài năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu phục vụ xét tuyển đại học, không ít thí sinh lựa chọn đi học chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế (IELTS) dù Bộ GD&ĐT không bắt buộc. “Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương khó khăn và với trường hợp không có nguyện vọng làm việc trong khu vực có yếu tố quốc tế, học sinh học tiếng Anh yếu và chỉ đi thi cho có. Kết quả là phổ điểm thi tiếng Anh có dạng hình yên ngựa với hai đỉnh tách biệt rõ ràng. Thực tế đó cho thấy ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn thay vì bắt buộc”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận xét.

Theo Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo quy định; sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.