Mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cả nước ước đạt hơn 354,5 tỷ USD, nhưng trong đó kim ngạch xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) chỉ chiếm khoảng 5 - 6 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: BTC
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: BTC

Giải pháp hữu hiệu mở rộng thị trường xuất khẩu

Hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) cho biết, sau 4 tháng phát triển sản phẩm trên nền tảng Amazon, đến nay, doanh nghiệp đã có nhiều kết quả khả quan với hàng chục nghìn đơn hàng tiêu thụ, doanh số trung bình 20.000 USD/tháng. Mục tiêu của doanh nghiệp khi gia nhập Amazon là không chỉ trở thành đối tác của các nhà bán hàng, đa dạng đầu ra mà còn mong muốn mang đến câu chuyện thương hiệu cho bạn bè quốc tế về những dược liệu, kinh nghiệm dân gian, văn hóa sản phẩm đặc trưng Việt Nam.

Sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling cho biết, TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với sự thành công của các doanh nghiệp từ Việt Nam. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm qua (từ năm 2019 - 2023).

Đáng chú ý, sự tăng trưởng nhanh chóng trong TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp này tự tin và quyết tâm mở rộng quy mô hiện diện cho thương hiệu trên toàn cầu. Dẫn chứng, theo số liệu của Amazon, các doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế như số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% và số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần trong 5 năm qua.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, TMĐT đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất khu vực và thế giới.

“Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu”, bà Huyền nhìn nhận.

Tự tin chinh phục thị trường toàn cầu

Dù ngành lọt tốp 5 của những ngành hàng bán chạy, rất nhiều doanh nghiệp đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ hướng đến xuất khẩu online, song ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng, mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của nhà phân phối nước ngoài. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ từ thị trường.

Để thúc đẩy sản phẩm gỗ nội thất Việt vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, ông Mẫn cho rằng, các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

Theo Bộ Công thương, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp như nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin chinh phục thị trường toàn cầu nhờ TMĐT xuyên biên giới, thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai nhóm giải pháp xây dựng thị trường TMĐT. Trong đó, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp.

“Bộ Công thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển TMĐT; đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT cho các địa phương; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên sàn TMĐT và các nền tảng số”, bà Huyền nêu rõ.

Còn theo ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu không ngừng thay đổi mở ra cánh cửa cho một số ngành hàng Made-in-Vietnam tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới. Trong 5 năm qua, các sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong tốp các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon. Từ các xu hướng ngành hàng nổi bật này, nếu khai thác đúng cách và hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới và tăng trưởng thị phần trên trường quốc tế.

Vì vậy, Amazon Global Selling định hình tầm nhìn và lộ trình giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng xuất khẩu TMĐT tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Ươm mầm nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho Việt Nam; thúc đẩy mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới; kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất địa phương và quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

“Chúng tôi chung tay giới thiệu các sản phẩm Made-in-Vietnam ra quốc tế, tích cực thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển với TMĐT xuyên biên giới. Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng lớn. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội toàn cầu này”, ông Gijae Seong khẳng định.