Mở rộng gắn kết giao thông

Nhiều dự án giao thông tại Hà Nội đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Tuy nhiên, để giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông TP Hà Nội, cần đánh thức tiềm năng kinh tế từ các dịch vụ giao thông có thể mang lại.

Cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: HẢI NAM
Cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: HẢI NAM

1/ Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư khá đồng bộ, có bước phát triển mạnh theo hướng hiện đại, nhiều công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng vận tải đường bộ ngày một nâng cao, bước đầu góp phần thực hiện mục tiêu giao thông vận tải đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Tháng 8-2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình cho Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch. Dự án được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trong khu vực, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy và TP Hà Nội. Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại nút “thắt cổ chai” đã tồn tại hơn 20 năm qua trên đường Nguyễn Văn Huyên và cũng là nút giao thông phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn tại Hà Nội.

Ngày 6-10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3. Dự án khởi công tháng 11-2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng. Sau gần một năm khởi công, dự án đã kịp thời hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Cũng trong tháng 10-2020, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND TP Hà Nội khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP Hà Nội. 

Phần lớn mục tiêu của dự án trên là tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông thuận lợi, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường sá trong khu vực. Đồng thời, tăng bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, nâng cao năng lực vận tải, thông suốt, an toàn. Qua đó, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư của tuyến đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. 

2/ Dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhưng hệ thống giao thông ở nhiều địa phương vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao… Trong khi ấy, mỗi năm, thành phố đang phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; khoảng 2.000 tỷ đồng trợ giá xe bus và không ít kinh phí cho công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông. Chỉ riêng việc duy tu, sửa chữa thường xuyên hệ thống hạ tầng đã tiêu tốn gấp nhiều lần kinh phí thu được từ quỹ bảo trì đường bộ. 

Điều đáng nói, dù được quan tâm đầu tư rất lớn song tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa thể giải quyết và ngày càng có xu hướng quá tải. Đặc biệt, nguồn lợi thu được từ các công trình, hạ tầng giao thông đô thị để tái đầu tư vào hệ thống giao thông còn rất hạn chế. Hiện nay, nhiều đô thị trên thế giới đã biến các nhà ga thành trung tâm thương mại, có sức lan tỏa ra một khu vực rộng lớn chung quanh, hay như nguồn lợi từ cho thuê quảng cáo trên các tuyến đường, trạm dừng xe bus, cầu vượt dành cho người đi bộ… đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Trong khi ở nước ta, dù còn rất nhiều tiềm năng cũng như lợi thế khai thác từ những khu vực này nhưng chưa tận dụng được.

Đặc biệt, việc quản lý khoản thu phí từ việc trông giữ xe trên địa bàn Thủ đô hiện nay khá lỏng lẻo. Tại Hà Nội, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của các bến bãi được cấp phép mới chỉ đạt khoảng 10%, quá ít so nhu cầu hiện tại. Thế nên, việc các nguồn thu từ trông giữ phương tiện chỉ có một phần mười được thành phố kiểm soát, còn lại đang chảy vào túi các cá nhân mà không thể thu thuế hay bất kỳ loại phí nào. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu được nguồn lợi từ dịch vụ này không phải chuyện dễ dàng.

Để có thể nắm bắt và tìm ra phương thức khai thác hiệu quả kinh tế giao thông rất cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành. Nếu có thể cần giao cho một đơn vị nghiên cứu chuyên trách, tổng hợp nguồn thông tin, tư liệu các sở, ngành từ giao thông, xây dựng, kinh tế… qua đó tạo tiền đề kết nối giao thông các khu vực kinh tế quan trọng, tăng hiệu quả giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội.