Mở rộng an sinh xã hội cho người lao động

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự thảo Luật BHXH lần này thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi khi tham gia chính sách BHXH, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn người lao động kê khai hưởng bảo hiểm xã hội. Ảnh: BẮC SƠN
Hướng dẫn người lao động kê khai hưởng bảo hiểm xã hội. Ảnh: BẮC SƠN

Chú trọng xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH

Ông Hà Thanh Tùng, Thư ký Tổ Biên tập Dự án Luật BHXH (sửa đổi) cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát năm chính sách được Quốc hội thông qua gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

“Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH…”, ông Tùng nói.

Vấn đề được nhiều người quan tâm trong Dự thảo Luật BHXH lần này là các quy định xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, các chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời, để khắc phục triệt để tình trạnh này, quy định về chế tài xử lý vi phạm đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (thí dụ trốn đóng BHXH khác với chậm đóng BHXH). Trên cơ sở đó, có quy định về phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý...

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp trong công tác thu, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Không ít trường hợp cả doanh nghiệp (DN) và NLĐ cùng đồng thuận lợi dụng các quy định, kẽ hở của luật pháp để né tránh đóng BHXH.

DN chậm đóng, không đóng BHXH (trốn đóng) không chỉ gây nên tình trạng thất thu cho quỹ BHXH, nợ đọng quỹ, mà còn gây thiệt thòi, khiến NLĐ không được hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT. Qua công tác quản lý thuế cũng cho thấy, không ít DN đã trích phần BHXH thuộc trách nhiệm đóng góp của NLĐ (tính trừ vào tiền lương), nhưng lại không đóng vào quỹ BHXH theo quy định...

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ Điều 36 đến Điều 44). Theo đó, bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động (SDLĐ) trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, Dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ... Nhiều chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc; đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng” BHXH.

PGS, TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề xuất, cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi mới có thể đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH.

“Bộ luật Hình sự đã quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng trên thực tế số vụ chúng ta truy tố, xử lý hình sự chưa được. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, nhất là cơ quan điều tra, khởi tố, truy tố? Do đó, phải rà soát, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong phối hợp thực hiện các biện pháp nói trên, đặc biệt là khi cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp không quyết định khởi tố, cơ quan điều tra có trách nhiệm phản hồi lại cơ quan BHXH một cách công khai, rõ ràng, thuyết phục về lý do không khởi tố”, ông Sỹ phân tích.

Mở rộng an sinh xã hội cho người lao động ảnh 1

Tình trạng rút BHXH một lần tăng nhanh ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người lao động.

Giải quyết cho được vấn đề rút BHXH một lần

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong bảy năm thực hiện Luật BHXH 2014, toàn quốc có hơn 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có hơn 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, trong tổng số 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, có gần 1,3 triệu lượt người sau này quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH...

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh nêu đề xuất, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nên quy định hai phương án rút BHXH một lần. Thứ nhất, những NLĐ đã đóng BHXH rồi và đang làm việc thì được rút BHXH một lần. Nhưng, những người tham gia mới BHXH, kể từ khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH một lần hoặc chỉ được rút phần NLĐ đóng. Số 50% còn lại hoặc phần người SDLĐ đóng phải để lại làm hành trang cho NLĐ khi về già.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần cần phải thực hiện song hành và đồng bộ nhiều giải pháp. “Hiện chúng ta đã có Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, việc tìm kiếm, hỗ trợ quay lại thị trường lao động là rất quan trọng đối với NLĐ mất việc làm. Nếu có lại việc làm ngay, NLĐ sẽ tiếp tục công việc và tham gia BHXH mà không nhận BHXH một lần”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phân tích. Đồng thời, bày tỏ đồng tình với chính sách hỗ trợ NLĐ khó khăn vay tiền để tiếp tục làm việc, tuy nhiên nên khống chế mức cho vay cho phù hợp.

Trao đổi ý kiến về việc phát triển người tham gia BHXH, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cần nghiên cứu xác định NLĐ có thu nhập, có tiền lương, tiền công thuộc đối tượng tham gia BHXH. Vì nếu xác định bằng hợp đồng lao động, khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, các DN không đưa ra hợp đồng lao động, nên khó trong việc xử lý hành vi của chủ SDLĐ. Đồng thời, nên xem xét hành vi trốn đóng là hành vi đã trả lương cho NLĐ nhưng không chịu đóng BHXH...

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, chính sách BHXH ở Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, nhất là diện bao phủ ngày càng mở rộng, số người hưởng chế độ BHXH ngày một nhiều. Tuy nhiên, chính sách BHXH còn chưa quan tâm lao động phi chính thức, tình trạng rút BHXH một lần tăng nhanh, việc trốn đóng BHXH vẫn còn...

“Việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện Luật BHXH vẫn còn những hạn chế. Bên cạnh đó, vì sao chúng ta tuyên truyền rất nhiều về việc tham gia BHXH lâu dài sẽ có nhiều lợi ích..., nhưng tình trạng rút BHXH một lần vẫn xảy ra trong những năm qua? Liệu có cần thay đổi về quy định rút BHXH một lần như hiện nay không? Lợi ích khi dùng ngân sách hỗ trợ, hỗ trợ đủ đối tượng chưa, được xã hội hóa không? Vì vậy, dự án luật lần này phải giải quyết cho được vấn đề rút BHXH một lần. Đồng thời, cần tính thêm các giải pháp như cho NLĐ vay, hay phương án với những người tham gia BHXH trước và sau khi luật mới có hiệu lực...”, ông Đặng Thuần Phong lưu ý.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc bình quân giai đoạn 2016-2022 là hơn 10.000 tỷ đồng/năm và có xu hướng gia tăng trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Xét theo thời gian, số chậm đóng kéo dài hơn ba năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 hơn 30%. Đặc biệt, trong tổng số chậm đóng BHXH, thì số tiền chậm đóng khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22% trong tổng số tiền chậm đóng).