Mở rộng an sinh với nhóm lao động yếu thế

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Theo đó, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ đối với nhóm yếu thế như bảo đảm việc làm bền vững, mở rộng diện đối tượng được vay vốn tạo việc làm…
Lao động tự do sẽ gặp nhiều khó khăn khi gặp rủi ro trong cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM
Lao động tự do sẽ gặp nhiều khó khăn khi gặp rủi ro trong cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM

Khó tiếp cận quyền lợi an sinh

Từng trải qua nhiều công việc như: Phụ hồ, làm xe ôm công nghệ… nhưng với anh Nguyễn Văn Hội, 40 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) hợp đồng lao động hay bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn là những khái niệm hết sức xa vời. Trước đây, anh Hội làm nghề phụ hồ, công việc rất vất vả, cả năm đi theo chủ thầu nhưng cũng không có hợp đồng lao động hay BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). “Một lần, tôi bị ngã giàn giáo phải nằm viện nửa năm, sức khỏe suy giảm nên sau đó, tôi chuyển nghề sang làm xe ôm”, anh Hội kể. Lần bị ngã giàn giáo phải nằm viện điều trị, anh Hội không được hưởng bất cứ chế độ gì, ngoài khoản hỗ trợ hơn 1 triệu đồng của chủ thầu xây dựng vì không có BHYT, BHXH. Trong khi đó, chi phí khám và điều trị của anh lên tới gần 50 triệu đồng, khiến vợ anh buộc phải bán chiếc xe máy và chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền điều trị bệnh cho chồng. “Hiện nay, tôi chạy xe ôm tại chợ đầu mối phía nam, tuy phải chạy ngoài đường cả ngày, nhưng dù sao cũng bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, vì là công việc “tự thân vận động” nên tôi cũng không biết tổ chức, đơn vị nào lo cho chúng tôi tham gia BHXH và mua BHYT để về già hay bệnh tật còn có chỗ bấu víu”, anh Hội lo lắng.

Chị Hà Thị Lụa (37 tuổi, huyện Lục Yên, Yên Bái) cũng có nguyện vọng tương tự. Chị Lụa cho biết, chị đi làm giúp việc cho một gia đình đã 10 năm nay, mặc dù chủ nhà rất tốt, trả lương đầy đủ và có thưởng vào ngày lễ, Tết nhưng khi đề cập đến việc đóng BHXH, thì họ lại từ chối, vì lý do ngại làm thủ tục, ngại khai báo. “Tôi biết rằng pháp luật có quy định việc chủ nhà bắt buộc phải đóng BHXH cho người giúp việc, song không chỉ riêng chủ nhà của tôi, mà nhiều chủ nhà khác cũng không thực hiện quy định này. Do ở với nhau tình cảm như gia đình, vả lại, tôi cũng như nhiều người giúp việc khác, khi đi làm chỉ quan tâm đến thu nhập hằng tháng, nên chúng tôi đều không quá căng thẳng về vấn đề này. Nhưng trong sâu xa, ai cũng muốn được ký hợp đồng lao động, tham gia BHXH để có lương hưu lúc về già”, chị Lụa chia sẻ.

Theo cập nhật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính chung 6 tháng đầu năm, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường lao động, tác động mạnh mẽ đến phát triển và bảo đảm việc làm nói chung.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, rất ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh. Cụ thể, có đến 98% số người lao động phi chính thức không tham gia BHXH, điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều. Trên thực tế, có hơn 60% số lao động phi chính thức có thỏa thuận miệng về việc làm, 14% không có hợp đồng lao động. Chính vì không có giao kết hợp đồng bằng văn bản nên lao động phi chính thức không được bảo đảm về mặt luật pháp. Bài học từ đại dịch Covid-19 cho thấy dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, gồm cả nhóm lao động phi chính thức nhưng thực tế nhiều lao động tự do không tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh tế số - thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) chia sẻ một số nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, thu nhập của nhiều người dân còn thấp, không ổn định; một bộ phận thiếu quan tâm đến chính sách BHXH, chưa hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của việc tham gia BHXH tự nguyện. “Người lao động khu vực phi chính thức thường quan tâm đến cái lợi trước mắt. Một bộ phận còn nặng tâm lý trẻ cậy cha, già cậy con; chưa hình thành được văn hóa tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích lũy khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, BHYT khi về già”, ông Thọ nói.

Mặt khác, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện chưa tạo được cú huých để thúc đẩy người dân tham gia chế độ này. Hiện nay mới có 22/63 tỉnh, thành phố được HĐND ra nghị quyết hỗ trợ thêm. Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài, làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Việc bổ sung các chế độ BHXH ngoài chế độ hưu trí, tử tuất đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện hiện nay là khó khăn do khả năng cân đối của ngân sách.

Mở rộng an sinh với nhóm lao động yếu thế ảnh 1

Lao động khu vực phi chính thức còn khó khăn trong tiếp cận mạng lưới an sinh. Ảnh: HẢI NHƯ

Bảo đảm việc làm bền vững

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc hơn, số lao động có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn khá cao. Điều này cho thấy, thị trường lao động đã dần hồi phục nhưng chưa bền vững.

Cục trưởng Việc làm cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách. Trong đó, nhấn mạnh việc thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Mục tiêu là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế. “Quan điểm chung là sửa đổi chính sách việc làm trên cơ sở nguyên tắc của thị trường lao động. Có nghĩa là chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động về an sinh mà còn hỗ trợ người lao động tham gia vào thị trường lao động có hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, chính sách việc làm mới đưa ra một số chính sách bảo đảm việc làm xanh và bền vững”, ông Vũ Trọng Bình thông tin.

Theo đó, những nội dung lớn sửa đổi trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; bổ sung quy định về đăng ký lao động; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…

Sau nhiều tháng lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã và đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định, điểm đáng chú ý là các quy định đề xuất về mở rộng diện đối tượng được vay vốn tạo việc làm đều được giữ lại. Theo đó, ngoài những nhóm truyền thống như: người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, dự thảo bổ sung thêm các nhóm, như: Người chăm sóc người khuyết tật nặng, hộ mới thoát nghèo, thân nhân người có công, người thuộc xã đặc biệt khó khăn, người có đất thu hồi; thanh niên sau nghĩa vụ quân sự, công an; thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình và người thất nghiệp.

Dự thảo Luật Việc làm đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, bao gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); nguồn huy động của NHCSXH được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH.

Theo cơ quan soạn thảo, việc mở rộng diện được ưu tiên sẽ thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, nhất là người yếu thế, góp phần ổn định phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Giải pháp này cũng tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc duy trì, mở rộng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, chính sách này sẽ góp phần giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi lao động, thúc đẩy quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, thích ứng với già hóa dân số; tương thích với việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ việc làm.