Miền trung đối phó đợt mưa lũ mới

Trong những ngày vừa qua, trên các địa bàn từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa kéo dài, gây ngập và sạt lở. Đây là đợt mưa lớn đầu tiên tại các địa phương trên trong năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa ngập đồng màu vụ đông (ảnh chụp tại Duy Xuyên, Quảng Nam).
Mưa ngập đồng màu vụ đông (ảnh chụp tại Duy Xuyên, Quảng Nam).

Rối tung vì ngập

Tại Đà Nẵng, trên các tuyến phố Nguyễn Văn Linh, Chu Văn An, Hà Huy Tập, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu… thuộc quận Hải Châu và Thanh Khê nước ngập cao từ 30 - 50 cm khiến giao thông tê liệt. Chị Phan Thị Bé Em, ngụ kiệt 249 Hà Huy Tập (Thanh Khê, Đà Nẵng), cho biết: “Năm trước ngập rồi. Năm ni mưa nên lo lắng, mất ngủ. Suốt đêm 12/10, mưa tới hồi dồn dập luôn. Ngày 13, sáng nước ngập ít ít, chiều ngập hơn trên đường, đêm ngập luôn trong nhà”.

“Ngập đường khó khăn đi lại. Ngập trong nhà, thứ ướt, thứ ẩm, rồi múc, rồi tát, gạt bùn. Đi lại bì bõm, mọi sinh hoạt rối tung luôn, nấu ăn trong phòng ngủ, mắm muối để tạm nhà tắm…” - Bé Em cho hay. Chiều và đêm 13/10, thông tin về một số tuyến đường tại Đà Nẵng ngập, khiến nhiều xe bus, xe hơi “đứng đường”, khách du lịch từ Đà Nẵng sang Hội An sáng cùng ngày, buổi chiều đều được các công ty du lịch điều chỉnh khách sạn để khách du lịch được an toàn và ở lại Hội An. Anh Huỳnh Trọng Hiền, lái xe du lịch 16 chỗ cho biết: “Tôi đưa khách về khách sạn trên đường Nguyễn Duy Hiệu, Hội An. Tại đây, có nhiều xe khách 45 chỗ chở khách du lịch neo đậu bên đường. Tui hỏi, họ cho hay, phải ở lại qua đêm và lo lắng vợ con bên Đà Nẵng”.

Chiều 13/10, mưa trắng trời tại địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Tại dốc Ba Nga thuộc thôn Bến Hiên, xã Hiệp (Đông Giang, Quảng Nam) bị sạt lở, hiện trường đất đá tuyến ta-luy dương tràn xuống mặt đường khiến giao thông bị tắc. Thời tiết vẫn tiếp tục mưa, nguy cơ sạt lở tăng cao, theo đó lãnh đạo các cấp đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển, không lưu thông qua điểm sạt lở, trừ khi có thông báo tiếp theo.

Tối ngày 13/10, đèo Le (Quế Sơn, Quảng Nam), tuyến đường ĐT611 xảy ra sạt lở tại Km 24+560 chắn ngang đường khiến giao thông bị chia cắt. Tại thời điểm sạt lở, các đơn vị chức năng đã thiết lập trạm cảnh báo cấm lưu thông. Đến 7 giờ 30 phút sáng 14/10, khu vực sạt lở đã được dọn dẹp, thông xe bước 1.

Tại Hội An (Quảng Nam), nhiều trang cá nhân trên mạng đưa hình ảnh ngập lụt của nhiều năm trước khiến khách du lịch tự cắt bỏ chuyến tham quan của mình làm rối tung cộng đồng mạng. Hiện tượng hình ảnh đưa sai về ngập lụt tại Hội An không phải lần đầu mà nhiều năm trước đã có, ví như trời đang mưa nhỏ, đường không ngập, nhưng ảnh cưới ngồi thuyền bơi trên phố trên nhiều trang cá nhân. Tuy nhiên, Ban phòng chống lụt bão Quảng Nam phát cảnh báo lũ trên sông Thu Bồn ở mức báo động cấp I, mức thấp. Đêm 14-17/10 mực nước sông Thu Bồn ở mức báo động 2 đến trên mức 2.

Tầm soát từng tuyến đường, hồ, đập cảnh báo kịp thời

Khoảng 13 giờ 30 phút chiều 13/10, hàng trăm khối đất đá ta-luy dương gần đỉnh đèo Hải Vân tràn xuống lòng đường, chính quyền địa phương đã thiết lập trạm chặn hai đầu đường, cấm các phương tiện lưu thông. Trong lúc chờ xử lý điểm sạt lở, Công ty Đèo Cả đã phân luồng giao thông, hướng Đà Nẵng-Huế, phương tiện đi qua hầm Hải Vân 2. Các loại xe không được phép qua hầm sẽ đi lên cao tốc La Sơn-Túy Loan. Xe máy di chuyển hai chiều qua trạm trung chuyển hầm Hải Vân. Với hướng Huế-Đà Nẵng, ô-tô sẽ chạy trên quốc lộ 1A qua hầm Hải Vân 1 hoặc hầm Mũi Trâu trên tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan, tạm dừng các loại xe chở xăng dầu, gas, động vật không được phép qua hầm.

Tại Huế, tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm, có nơi hơn 700 mm, tuyến đường: Nguyễn Lộ Trạch, Hoàng Lanh, Vũ Thắng, Nguyễn Cư Trinh… ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy. Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu gần 1 m, nhấn chìm nhiều đồ đạc trong nhà. Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế Đặng Văn Hòa cho biết, địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tuyến phố bị ngập, gây chia cắt cục bộ. Tại tỉnh Quảng Trị, có nhiều đoạn bị ngập sâu gây chia cắt trong việc đi lại. Các xã biên giới Quảng Bình như: Thượng Trạch (Bố Trạch) nước suối dâng cao xấp xỉ 1 m, gây ngập đường vào bản Cờ Đỏ, bản Bụt…

Mưa lũ miền trung đã, đang diễn ra, ngành điện lực cam kết không cắt điện, các hồ đập được theo dõi sát sao và bảo đảm an toàn. Bản tin dự báo thời tiết trong những ngày tới không loại trừ khả năng vùng áp thấp ở Biển Đông có thể mạnh thêm thành áp thấp nhiệt đới gây ra gió mạnh ở vùng ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định, ảnh hưởng tới hoạt động của tàu cá ven biển, cảnh báo dông, lốc xoáy có thể xảy ra.

Nhiều vùng trồng hoa màu vụ đông tỉnh Quảng Nam bị mưa lũ gây thiệt hại. Ngập úng khiến 15 ha đậu bắp, rau muống, mồng tơi… tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) mất trắng. Mưa lũ làm sạt một số tuyến kênh và bờ sông Thu Bồn, sạt lở bờ biển thuộc thôn Trung Phường (Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam). Giao thông đi lại khó khăn, một số vùng trồng rau bị ngập khiến cho việc cung ứng đến người tiêu dùng bị gián đoạn, ghi nhận tại một vài chợ như chợ Bà Lê, chợ Tân An, chợ Hội An (Hội An, Quảng Nam) tăng từ 5-7 nghìn đồng mỗi kg. Rau muống, rau lang tăng từ 5 nghìn đồng một bó lên 10 nghìn đồng, trứng gà công nghiệp từ 42 nghìn đồng mỗi ký lên 51 nghìn đồng. Giá thịt lợn không tăng và giữ nguyên vì giá heo hơi trước đó đã giảm từ 15-17 nghìn đồng mỗi kg. Các loại hải sản trong các chợ không được tươi, giá thành cũng không tăng. Theo ghi nhận tại các sạp hàng trong chợ, sắp tới một số loại rau vườn (rau muống, rau khoai, rau thơm, đu đủ…) sẽ tăng giá, riêng rau chợ (cải, bắp cải, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách…) không tăng vì những loại rau này đều cung ứng từ các vùng khác.