“May nóng” ở chợ Hàn

Nắm bắt nhu cầu của khách du lịch đến TP Đà Nẵng muốn may áo dài và các loại trang phục khác, nhiều thợ may đo chuyên nghiệp đã cung ứng dịch vụ may đo ngay tại chợ Hàn. Đây cũng là “đường dẫn” để du khách tìm đến với một “trung tâm may mặc” tại chợ phố với thời gian nhanh nhất.

Dịch vụ may áo dài lấy ngay được nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng.
Dịch vụ may áo dài lấy ngay được nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng.

Hai năm trở lại đây, tiếng máy may rộn rã, tiếng chào mời khách đon đả đã nhộn nhịp trở lại ở khu may đo và bán vải chợ Hàn. Cách đổi mới, chủ yếu may áo dài theo yêu cầu lấy liền (sau hai giờ may), đã tạo được công việc ổn định cho các tiểu thương nơi đây.

Chúng tôi có mặt tại tầng 2 của chợ Hàn, khu vực bán vải và may đo theo yêu cầu. Từng nhóm khách du lịch chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản ghé vào gian vải mà họ ưa thích. Không tranh giành, không “thổi” giá, các chị em tiểu thương lần lượt tư vấn các loại vải phù hợp để may áo dài, mầu sắc và hình ảnh sản phẩm khi hình thành. Khách cũng “chốt” khá nhanh, sau đó các chị dẫn khách qua gian may đo sát cạnh. Gian nào cũng được, cứ hễ ai rảnh thì ra nhận hàng, đo kích cỡ, ghi hóa đơn và giao nhận theo yêu cầu của khách.

Chỉ trong một giờ đồng hồ, chị Lê Thị Quỳnh Liên, tiểu thương hàng vải lô 123-124 đã bán được năm xấp vải áo dài cho khách. Chị cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi bán cỡ 7 - 10 xấp vải áo dài, tuy nhiên cũng theo thời vụ bù qua xớt lại. Cao điểm mùa du lịch có khi lên tới 15 xấp. Bây giờ tôi cũng chỉ bán chủ yếu vải để may áo dài, so trước đây thì thu nhập khá ổn định”.

Cả chợ Hàn nay có hơn 50 quầy vải, mỗi xấp vải may một bộ áo dài có giá dao động từ 350 - 500 nghìn đồng. Hầu hết các quầy đều có khách du lịch ghé đến mua sắm. Đi cùng là 37 quầy may đo với khoảng 70 thợ may. Là tay cắt chính của quầy may đo với thâm niên hơn 20 năm làm nghề, cô Lưu Thị Thuận cũng là tổ trưởng tổ may, vừa cắt một bộ áo dài mới vừa chia sẻ: “Mỗi ngày trung bình tôi may cỡ tám bộ áo dài hoặc hơn, tiền công mỗi bộ là 150 nghìn đồng. Khoảng một tiếng là xong một bộ hoặc lâu hơn tùy yêu cầu may của khách và tùy loại vải. Không chỉ các chị em ở đây có thu nhập ổn định hơn trước, mà bây giờ cảm giác như nghề may được sống lại”.

Áo dài phục vụ khách du lịch nên công đoạn may cũng nhanh hơn do phần lớn áo may dây kéo chứ không kết cúc như của người Việt. Chị Eun Yeong Jo (27 tuổi, người Hàn Quốc) qua Việt Nam du lịch cùng nhóm bạn đã ghé chợ Hàn để may đo áo dài. “Khi vừa đến Đà Nẵng, nhóm ba người chúng tôi đã đến chợ Hàn may ba bộ để mặc trong những ngày ở đây và mang về làm kỷ niệm”, chị Eun Yeong Jo cho biết.

Sự tất bật và vui vẻ hiện rõ trên từng gương mặt của người bán vải lẫn người may. Đây không chỉ là sự đổi mới giúp chị em tăng thu nhập, ổn định cuộc sống mà với người thợ may lâu năm như cô Lưu Thị Thuận thì niềm vui còn lớn hơn rất nhiều.

Cô nhớ lại, từ năm 1995 đến những năm 2000, cô bắt đầu làm nghề may ở khu chợ Hàn. Lúc đó người dân chủ yếu mặc đồ may đo nên nghề may của cô khá ổn và đa dạng các mẫu quần áo, khách cũng đủ mọi lứa tuổi. Nhưng dần dần, khi thị trường thời trang ngày càng phong phú hơn thì lượng khách đến may tiệm cũng giảm đi nhiều vì thị hiếu của người tiêu dùng thiên về quần áo may sẵn. Nghề may ít thu nhập nhất là giai đoạn từ năm 2008 đến 2015. Lúc đó, mỗi ngày cô chỉ may một bộ chủ yếu là đồ bộ cho lứa trung niên và sửa quần áo, thu nhập trở nên bấp bênh. Cô tâm sự: “Nhiều bạn may lúc đó đã bỏ nghề nhưng tôi vẫn tiếp tục làm vì yêu công việc này. Nếu không có khách du lịch ghé đến và khu vực may đo rộn rã trở lại thì chắc sẽ buồn lắm!”.