Mầu áo xanh trên cao nguyên Mộc Châu (kỳ 2)

Kỳ 2: Việc gì khó có thanh niên
0:00 / 0:00
0:00
Mầu áo xanh trên cao nguyên Mộc Châu (kỳ 2)

Nằm ở cửa ngõ của Tây Bắc với hơn 40 km đường biên giới giáp Lào, 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, cao nguyên Mộc Châu hội tụ đủ cả thuận lợi và khó khăn trong phát triển. Thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, tuổi trẻ Mộc Châu đã năng động, sáng tạo, vận dụng các nguồn lực để “chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”.

Từ những nẻo đường biên giới

Huyện Mộc Châu có 3 xã biên giới: Chiềng Sơn, Chiềng Khừa và Lóng Sập. Những năm trước đây, kinh tế-xã hội ở các bản giáp biên giới chậm phát triển, hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật còn thiếu; sản xuất manh mún, lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Đặc biệt tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy còn xảy ra. Trước thực trạng đó, ngày 11/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HU với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ 10 bản biên giới phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị. Thực hiện nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên các cấp cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân. Nhiều công trình thanh niên thực hiện đã để lại dấu ấn giúp bà con thoát nghèo, phát triển kinh tế...

Con đường từ trung tâm xã Chiềng Khừa vào đến bản biên giới Căng Tỵ chỉ dài hơn 13 km nhưng gập ghềnh đất đá, cua gấp khúc quanh co, đi xe máy gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Vừa tới trung tâm bản, đoàn công tác nhìn nhau lạ lẫm bởi ai cũng được phủ một lớp bụi từ đầu đến chân. Riêng các đồng chí cán bộ Đoàn Thanh niên kiêm lái xe vẫn cười nói hồ hởi bởi con đường này gắn bó với họ đã thành quen. Vừa gặp đồng chí Lò Văn Thọ (Phó Bí thư Đoàn xã Chiềng Khừa), các thanh niên trong bản tranh thủ trao đổi nhanh về trường hợp đang xin hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cần phải xác minh. “Để nguồn vốn vay ưu đãi đến được đúng người, đúng địa chỉ, cán bộ cơ sở phải sát sao, nắm bắt tình hình qua các già làng, trưởng bản. Căng Tỵ có 90 hộ dân đồng bào dân tộc H’Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, những năm trước, đây cũng là một điểm nóng về ma túy. Muốn đẩy lùi ma túy thì phải giúp bà con thoát nghèo bằng con đường chính đáng”, Phó Bí thư Đoàn xã Chiềng Khừa Lò Văn Thọ cho hay.

Đến thăm ngôi nhà mới xây của chị Mùa Thị Giáng (bản Căng Tỵ), đồng chí Phạm Tú Uyên, Bí thư Huyện đoàn Mộc Châu cho biết: “Đây là một trong số công trình nhà nhân ái do Huyện đoàn và các nhà tài trợ xây dựng để hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm theo chủ trương của huyện. Là thanh niên, chúng tôi sẵn sàng nhận những điểm xa nhất, khó khăn nhất để triển khai. Thậm chí với công trình của các đoàn thể khác, chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng đoàn viên, thanh niên chủ động tham gia góp ngày công. Đây là cách thiết thực nhất giúp đỡ người dân an cư lập nghiệp, thoát nghèo”.

Gặp lại những thanh niên mặc áo xanh tình nguyện, chị Mùa Thị Giáng không khỏi xúc động kể: Trước kia cuộc sống tăm tối không có lối thoát, mình bế tắc lắm. Giờ chồng đi cai nghiện rồi, ba đứa con cũng đi học, lại có cả nhà kiên cố che nắng, che mưa, yên tâm hơn rồi...

Mầu áo xanh trên cao nguyên Mộc Châu (kỳ 2) ảnh 1

Nhờ các đoàn viên thanh niên cùng các nhà hảo tâm, chị Mùa Thị Giáng đã có ngôi nhà kiên cố.

Dấu ấn những công trình tuổi trẻ

Mỗi năm chọn một chủ điểm thực hiện các công trình thanh niên. Như năm 2023, Huyện đoàn Mộc Châu tập trung các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà nhân ái, lắp đặt camera an ninh... Còn năm 2024 sẽ tập trung thực hiện chương trình ánh sáng vùng biên, lắp đặt hệ thống đèn điện, xây nhà vệ sinh, sân chơi cho thiếu nhi... ở các bản biên giới.

Rời Căng Tỵ, chúng tôi sang bản Phách - một điểm bản khác nằm dọc biên giới thuộc xã Chiềng Khừa. Nơi đây, Huyện đoàn Mộc Châu vừa hoàn thành xong 22 cột điện thuộc chương trình “thắp sáng đường biên” cho tuyến trục chính trong bản. Ông Hà Văn Buôn, sinh năm 1952, người dân bản Phách cho biết: Trước kia, người dân vùng biên không dám mơ đến đường, đến điện. Giờ đường đổ bê-tông, điện thắp sáng đến đêm, an ninh trật tự bảo đảm, đời sống tinh thần cũng ngày một nâng cao. Năm vừa rồi, đoàn thanh niên còn hỗ trợ bản làm sân chơi cho thiếu nhi, nhà văn hóa. Có nơi sinh hoạt cộng đồng, bà con càng thêm gắn bó.

Theo anh Lò Văn Nghiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phách, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong nhiều hoạt động của bản, từ làm đường, thực hiện các công trình dân sinh cho đến các phong trào dọn dẹp vệ sinh, duy trì nếp sống mới... Dấu ấn của các công trình thanh niên không chỉ hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng sống, mà còn giúp bản hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới trong năm nay.

Đi dọc trục tuyến biên giới của huyện Mộc Châu, chúng tôi theo chân Đoàn thanh niên đến với xã Chiềng Sơn. Tại đây có hai bản Pha Luông và Suối Thín là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự giáp biên giới Việt Nam - Lào. Từ năm 2021 đến nay, Đoàn xã Chiềng Sơn đã huy động các nguồn lực thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội. Tính riêng từ năm 2023 đến nay, Đoàn xã phối hợp với các nhà hảo tâm đã tổ chức 5 đợt khám bệnh, cắt tóc, tặng quà cho các hộ nghèo và học sinh thuộc 2 bản biên giới. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2024, Đoàn thanh niên đã kết nối với các nhà tài trợ xây dựng công trình đường điện chiếu sáng năng lượng mặt trời cho các ngõ xóm bản Suối Thín với tổng số 40 cột dài 1.200 m, phối hợp với Huyện đoàn trao tặng dê giúp một số hộ gia đình khó khăn.

“Thực hiện chương trình Ánh sáng vùng biên, chúng tôi phải tìm giải pháp thay thế bằng điện chiếu sáng năng lượng mặt trời. Bản Suối Thín có 77 hộ, trong đó có 30 hộ nghèo; còn bản Pha Luông có 86 hộ trong đó có hơn 27 hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Các nguồn lực cho hoạt động Đoàn còn ít ỏi nhưng chúng tôi luôn cố gắng thực hiện công trình thiết thực, tạo sinh kế bền vững giúp bà con thoát nghèo”, đồng chí Đoàn Thị Đức, Bí thư Đoàn xã Chiềng Sơn cho biết.

Đâu cần thanh niên có

Tại khu vực đô thị, Huyện đoàn Mộc Châu tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi số và các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh. Năm 2023, hoạt động Ngày cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện vì đô thị văn minh và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính” đã tạo nhiều hiệu ứng tốt. Đồng chí Hoàng Thị Dung, Bí thư Đoàn Thị trấn Mộc Châu chia sẻ: Nhằm góp sức xây dựng đô thị văn minh, phát triển, hằng năm, Ban Thường vụ Đoàn thị trấn Mộc Châu đều ban hành kế hoạch hành động, trong đó chú trọng duy trì và thành lập mới các tuyến đường thanh niên tự quản, sáng, xanh, sạch, đẹp. Hằng tháng, chúng tôi tổ chức các hoạt động ngày cao điểm vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn... Ngoài ra, trong công tác thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, Đoàn thanh niên thị trấn Mộc Châu cũng tích cực tham gia hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tiếp cận các thủ tục hành chính...

Năm 2023, bên cạnh nguồn ngân sách huyện cấp 300 triệu đồng, Huyện đoàn Mộc Châu đã huy động được hơn 2,1 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội để thực hiện các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương. Phong trào thanh niên tình nguyện thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực gắn với nhu cầu của đời sống xã hội. Đặc biệt, các chương trình tình nguyện được tổ chức đa dạng như tình nguyện tại chỗ, tình nguyện theo khối đối tượng, kết quả. Từ các nguồn lực xã hội, Huyện đoàn Mộc Châu chỉ đạo các cơ sở đoàn đồng loạt ra quân Ngày cao điểm chung tay xây dựng nông thôn mới và các Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ 7 tình nguyện kết hợp với khánh thành công trình thanh niên. Từ đó đã ra đời, hàng loạt ngôi nhà nhân ái, hàng cây thanh niên, sân chơi cho trẻ em, vườn cây sinh kế cho các hộ nghèo, các chương trình khám bệnh, tặng quà cho thiếu nhi khắp các rẻo cao…

(Còn nữa)

Mầu áo xanh trên cao nguyên Mộc Châu (kỳ 1)