Sự “gồng gánh” của những con đường
Theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, một số tuyến đường tại Hà Nội như Tôn Thất Thuyết (Mỹ Đình), Định Công (Hoàng Mai), đoạn đường nối giữa đường Trịnh Văn Bô và đường Phương Canh (Nam Từ Liêm), đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm) hay tại đường Lý Thánh Tông (Trâu Quỳ, Gia Lâm), đã xuất hiện ổ trâu, ổ voi từ lâu mà không được xử lý. Hầu hết các tuyến đường này xuống cấp một phần do lượng xe lưu thông lớn, nhưng nguyên nhân cũng do chưa được sửa chữa trong nhiều năm, hoặc có nơi còn chưa kịp hoàn thiện đã phải phục vụ dân sinh.
Vào những ngày mưa, các loại ổ trâu, ổ voi này khiến cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe đạp, xe máy có nguy cơ tai nạn rất cao. Anh Lương Thế Điệp, một người bán nước tại phố Tôn Thất Thuyết chia sẻ: “Tôi bán hàng ở đây rất hay gặp và nhiều lúc phải ra hỗ trợ người dân đi xe bị ngã khi đi qua những vũng nước to. Trời mưa thì đoạn đường này toàn vũng nước sâu, xe máy đi vào vừa dễ ngã vừa bị nước vào máy. Nhiều người tay lái yếu còn phải dắt bộ qua. Đến khi trời nắng thì tình hình cũng chẳng khá hơn là bao, bụi mù mịt ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và đời sống người dân bao lâu nay”.
Không ít con đường ở Hà Nội đã xuất hiện tình trạng nắp cống bị sụt lún, gãy vỡ trơ khung thép. Đơn cử như ở tuyến đường Khuất Duy Tiến-Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), đường Nghiêm Xuân Yêm (Hoàng Mai), lưu lượng xe cộ qua khu vực này thường rất cao, vỉa hè thường là khu vực người tham gia giao thông tràn lấn lên để đi mỗi lúc tắc đường. Theo thời gian, chất lượng của các nắp cống hoặc miệng cống trở nên biến dạng, gãy vỡ dù làm bằng bê-tông, có những chỗ người dân phải lấy mảnh gỗ đậy lên và cắm cành cây cảnh báo.
Nghiêm trọng nhất phải kể tới tình trạng mất cắp nắp cống ở phố Lý Thánh Tông (Gia Lâm). Hiện nay, khoảng 20 nắp cống bằng kim loại trên vỉa hè hai bên đường Lý Thánh Tông bị mất trộm. Trên tuyến đường dài 4,2km, mỗi cống chỉ cách nhau khoảng 100-200m, nhưng hầu như tất cả đều phải cắm cành cây cảnh báo hoặc đậy bằng tấm gỗ.
“Các đối tượng cậy nắp cống thường là nghiện hút hoặc đi tù về mà không có công ăn việc làm. Nắp cống làm bằng gang nặng khoảng trên 30kg và giá thành bán sắt vụn vào khoảng trên dưới 300 nghìn đồng. Mặc dù cậy nắp cống không khó khi chỉ cần một cây xà-beng nhưng để mang nó đi được cần tới bốn người. Có lần người dân địa phương phát hiện bốn đối tượng cậy nắp cống vào khoảng sau 1 giờ sáng nhưng không bắt được mà chỉ thu lại nắp cống. Khu vực này không có camera, các đơn vị an ninh khu phố cũng tuần tra tới nửa đêm. Tuy nhiên, các đối tượng thường xuyên chọn khung giờ muộn hơn để ăn trộm, gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi”, chị Đinh Thị Thảo (39 tuổi), công nhân môi trường chịu trách nhiệm giám sát khu vực chia sẻ.
Chờ giải pháp lâu dài tới khi nào?
Điểm chung của các khu vực này là thiếu sự quan tâm và giải pháp sửa chữa từ các cơ quan hữu quan, hoặc một số con đường còn phải chờ đợi hoàn thiện mới giải quyết được triệt để điều kiện xuống cấp hiện nay. Như trường hợp đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long hoặc đoạn Lý Thánh Tông vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chị Thảo cho biết: “Lo ngại nhất là những cháu nhỏ đi trong khu vực này, nếu trời mưa nước ngập dưới cống mà chẳng may ngã xuống thì khó ai hay biết. Bởi vậy, về lâu dài thì Ban Quản lý Vinhomes Ocean Park có cam kết sớm lắp camera nhiều hơn ở dọc đoạn đường nhằm bảo đảm an ninh. Cách đây không lâu, đại diện đơn vị môi trường của khu vực cũng có kiểm kê, báo cáo lên cấp trên để xin thêm nắp cống. Tuy vậy, người dân không biết tới khi nào được cấp nắp cống mới, nên hiện tại chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tự giác đậy nắp cống bằng ván gỗ hoặc cắm cây cảnh báo người dân”.
Tương tự, đoạn đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long, được biết bắt đầu khởi công từ năm 2008. Đến nay đã hơn 15 năm mà chưa hoàn thành xong công đoạn giải phóng mặt bằng. “Lúc mới khởi công dự án, đa số người dân chúng tôi rất kỳ vọng sớm có đường đi lối lại sạch sẽ, an toàn. Nhưng đến nay, từng có nhiều đoàn tới đo đạc, khảo sát và cũng không ít báo đài tới phản ánh, thực tế này chẳng những không cải thiện, mà còn ngày một xuống cấp hơn. Nguyên nhân chính vì lưu lượng xe nhiều hơn trước, đặc biệt các xe trọng tải lớn vào khu công nghiệp. Trong khi đó, do nhu cầu hằng ngày, buộc chúng tôi phải tự đem chạc ra đổ vào các ổ gà, ổ voi để đi lại đỡ nguy hiểm. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là biện pháp tạm thời mà thôi”, ông Nguyễn Tiến Trung (56 tuổi), một người dân phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm bày tỏ.