“Lục địa đen” tìm cách giải quyết bất ổn

Một loạt hội nghị quan trọng của các nước châu Phi diễn ra trong những ngày qua, nhằm tìm giải pháp cho các điểm nóng tại khu vực. Không chỉ bất ổn chính trị, bạo lực gia tăng, gồm cả các vụ tiến công nhân viên LHQ, nhiều quốc gia châu Phi còn đối mặt khủng hoảng nhân đạo, lương thực, thậm chí cận kề nạn đói.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali. Ảnh: WORD PRESS
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali. Ảnh: WORD PRESS

Mục tiêu khôi phục ổn định

Các nhà lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tiến hành hội nghị cấp cao bất thường ngày 4/6, tại Thủ đô Accra của Ghana, với nhiệm vụ trước mắt là hỗ trợ giải quyết bất ổn chính trị đang nổi lên trong khu vực. Chủ tịch ECOWAS, Tổng thống Ghana, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo nêu rõ: Hội nghị nhằm tìm giải pháp lâu dài cho tình trạng bất ổn ở nhiều nước, đặc biệt là giúp Mali, Guinea và Burkina Faso lập lại trật tự hiến pháp, xử lý tốt hơn với thách thức an ninh và nhân đạo hiện nay.

Trước đó, ngày 3/6, Hội nghị Bộ trưởng của Ủy ban Cố vấn thường trực LHQ về các vấn đề an ninh ở Trung Phi đã họp tại Thủ đô Yaounde của Cameroon. Bộ trưởng Ngoại giao Cameroon Lejeune Mbella Mbella nhấn mạnh: Hội nghị diễn ra vào thời điểm có nhiều thách thức và khủng hoảng dưới nhiều hình thức, cũng như nhiều mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực. Bởi thế, các nước cùng phối hợp, tăng cường các biện pháp an ninh, khuyến khích đối thoại và hiểu biết giữa các quốc gia để cùng vượt qua thách thức hiện nay.

Giới lãnh đạo châu Phi thừa nhận, bối cảnh khu vực và toàn cầu có nhiều chuyển biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp các tiểu vùng. Trong đó, nạn khủng bố, bạo lực, tội phạm xuyên biên giới, tội phạm mạng là những thách thức đáng lo ngại nhất hiện nay. Chỉ trong ba ngày (1-3/6), hai vụ tiến công liên tiếp xảy ra nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Mali, khiến ít nhất ba binh sĩ thiệt mạng. LHQ lên án mạnh mẽ các vụ tiến công, song khẳng định tiếp tục hỗ trợ người dân và Chính phủ Mali bảo đảm hòa bình và an ninh.

Hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp

Hội đồng hòa bình và an ninh của Liên minh châu Phi (AU) vừa báo động về tình hình nhân đạo phức tạp ở châu lục và kêu gọi các nước hợp tác giải quyết. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp ngày 3/6, Hội đồng trên nhấn mạnh về các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, thậm chí chưa có tiền lệ ở châu Phi. Theo AU, tình hình an ninh và nhân đạo hiện nay ở châu Phi có liên quan tình trạng biến đổi khí hậu, các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các mối đe dọa khác, nhất là ở những khu vực mà người dân phải di dời, mất an ninh lương thực do xung đột, khủng bố và bạo lực.

Thực tế cho thấy, ngày càng có thêm nhiều nhóm cư dân ở châu Phi rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, như những người di cư, tị nạn và cả người trở về sau di cư. AU kêu gọi tăng cường hợp tác ở cấp châu lục, giúp định hướng và xây dựng khả năng phục hồi cho những nhóm cư dân này.

Ngày 5/6, LHQ cảnh báo rằng, hạn hán nghiêm trọng đang khiến một số khu vực ở miền trung và nam Somalia cận kề nạn đói, đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Theo báo cáo do các cơ quan viện trợ của LHQ phối hợp Chính phủ Somalia xây dựng, ước tính 5,2 triệu người (tương đương 33% dân số) đang đối mặt khủng hoảng lương thực. Nếu viện trợ nhân đạo và hỗ trợ lương thực không được duy trì và mở rộng, con số trên có thể sớm tăng lên 7,1 triệu người (khoảng 45% dân số).

Điều phối viên thường trú của LHQ tại Somalia, ông Adam Abdelmoula cho biết, LHQ đã phân bổ khoản viện trợ mới trị giá 20 triệu USD để cung cấp hỗ trợ lập tức cho các cộng đồng có nguy cơ đói do hạn hán và thiếu lương thực. LHQ đặt mục tiêu quyên góp 1,5 tỷ USD để viện trợ nhân đạo cho Somalia trong năm 2022.

Có thể bạn quan tâm