Lửa pháo trong mưa Thành cổ

Mùa xuân năm 1972, cả mặt trận B5 Bình-Trị-Thiên vào chiến dịch. Tiểu đoàn 14 pháo hỏa lực mặt đất trực thuộc Sư đoàn bộ binh 325 cùng đội hình chiến đấu chia thành các tốp nhỏ lặng lẽ men theo con đường mòn qua mấy huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị hành quân về chiến trường phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Các chiến sĩ bộ binh vai đeo ba-lô quàng lên trên ruột tượng đựng đủ gạo cho một tuần ăn đường, đeo súng AK47 hoặc trung liên RPK, RPD cùng cơ số đạn trước ngực, cái xẻng, dao găm… gài quanh lưng chống “gậy Trường Sơn” giữ đúng cự ly và bước vào dấu chân người đi trước. Mấy chiến sĩ thông tin vô tuyến điện đeo máy 2 oát P105D (Liên Xô trước kia sản xuất), cần ăng-ten roi hoặc ăng-ten sao lắc lư trên đầu theo nhịp chân nom rất “oách“. Các chiến sĩ thông tin hữu tuyến điện bên sườn đeo máy và buộc mấy cuộn dây điện thoại lên ba-lô. Anh nuôi lỉnh kỉnh xoong, chảo, nồi quân dụng… nhưng nặng nhất có lẽ là những chiến sĩ lính pháo cối 120 ly của tiểu đoàn hỏa lực. Lúc khiêng vác hành quân di chuyển, khẩu pháo được tháo rời thành ba bộ phận: nòng pháo, bàn đế và chân chống. Kính ngắm do tiểu đội trưởng quản lý. Nòng pháo và bàn đế nặng tương đương nhau khoảng 100kg/một bộ phận, mỗi bộ phận có bốn chiến sĩ khiêng. Chân chống gần 50kg nên chỉ bố trí hai chiến sĩ. Nhìn đội hình tiểu đoàn pháo cối khiêng vác hành quân leo núi, lội suối, trèo đèo mới thấy đúng là chiến sĩ pháo binh Việt Nam có “đôi chân đồng và hai vai sắt”.

Vượt qua con suối nhỏ khoảng hơn 30 phút thì tiểu đoàn trưởng ra lệnh đơn vị tạm nghỉ giải lao 10 phút. Khẩu đội trưởng Huỳnh ngập ngừng: “Báo cáo thủ trưởng. Lúc nào đến sông Bến Hải, thủ trưởng cho bọn em giải lao lấy bi-đông nước làm kỷ niệm ạ!”. Tiểu đoàn trưởng cười hiền: “Các đồng chí vừa vượt qua sông Bến Hải rồi đấy. Ở thượng nguồn nên nó chỉ là con suối nhỏ. Nhưng không được dừng nghỉ ở đấy vì địch rất hay nã pháo vào…”. Thủ trưởng chưa dứt lời thì cả bầy đạn pháo 155 ly của địch cắt gió ào ào vượt qua đầu chúng tôi. Hàng loạt tiếng nổ phía con suối đơn vị vừa hành quân qua. Đó là bài học đầu tiên cho cánh lính chiến - không tập trung ngơi nghỉ ở những vị trí hiểm yếu trên chiến trường.

*

Chiến dịch mùa xuân năm 1972 giành thắng lợi với việc quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên ở miền nam được giải phóng. Để nắm lợi thế trên bàn hội nghị bốn bên đàm phán ở Pa-ri (Pháp), ngụy quân tập trung sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến cùng nhiều lượt máy bay ném bom chiến lược B52, máy bay ném bom A37, T28, pháo tự hành 175 ly (vua chiến trường), các loại pháo từ nhiều hướng, từ hạm đội 7 ngoài khơi bắn vào cùng nhiều xe tăng, thiết giáp… mở nhiều đợt phản kích hòng chiếm lại toàn bộ địa giới tỉnh và thị xã Quảng Trị, trong đó Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã là điểm nóng ác liệt nhất. Quân giải phóng thành lập bộ chỉ huy mặt trận Thành cổ kiên quyết đánh chặn các đợt phản kích của quân ngụy ngay từ ngày đầu tiên 28/6/1972 - ngày mở màn chiến dịch 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa bảo vệ Thành cổ - đến khi kết thúc chiến dịch vào ngày 16/9/1972.

Tiểu đoàn pháo hỏa lực chúng tôi được lệnh lập trận địa tại thôn Nhan Biều, Tả Hữu xã Triệu Thượng để bắn hỗ trợ cho bộ đội ta đập tan các đợt phản kích, giữ vững chốt chặn khu vực trường Bồ Đề, ngã ba Long Quang… với nhiều trận đánh ác liệt mà trận đánh đầu tiên là ở khu vực nhà thờ Tri Bưu-Thành cổ. Đài quan sát - mắt pháo - gồm trinh sát Thanh, kế toán Long và tôi, lính thông tin 2 oát chọn cây mít ở thôn Nhan Biều làm vị trí quan sát bởi nó còn ít cành lá và là đường ngắn nhất theo đường chim bay từ trận địa pháo đến các mục tiêu ở Thành cổ. Đến giờ liên lạc, tôi bật máy và nhận lệnh từ tiểu đoàn trưởng: “Tọa độ X…,Y…. Đạn 1 viên. Bắn!”. Sau tiếng nổ đề-pa (nổ đầu nòng), quả đạn cắt gió vượt qua mắt pháo lao vút đến mục tiêu. Trinh sát Thanh đã leo lên cây mít chĩa ống nhòm vào mục tiêu hô: “Hướng sang phải…, tầm giảm…”. Kế toán Long tính lại phần tử bắn rất nhanh và tôi báo cáo về trận địa. Một phút sau, lệnh Tiểu đoàn trưởng dõng dạc: “Tọa độ X…,Y… Đạn 1 viên. Bắn!”. Quả đạn vừa nổ thì tôi nghe tiếng reo mừng của chiến sĩ thông tin bộ binh trên chốt: “Pháo binh ta bắn trúng xe tăng địch rồi” cùng tiếng trinh sát Thanh: “Đạn bao bọc mục tiêu. Đề nghị bắn cấp tập”. Tôi nhanh chóng chuyển thông tin về trận địa. Tiểu đoàn trưởng dõng dạc: “Tọa độ không thay đổi. Đạn 10 viên bắn cấp tập. Giãn cách 5 giây/viên. Bắn!”.

Gần một giờ sau, trận đánh kết thúc. Quân giải phóng tiêu diệt một xe tăng, hai xe bọc thép và đẩy lùi nhiều cuộc tấn công phản kích của quân ngụy. Tiểu đoàn hỏa lực chúng tôi được đơn vị bộ binh giữ chốt và bộ chỉ huy chiến dịch biểu dương khen ngợi, động viên, tạo sự tự tin cho anh em chiến sĩ tiểu đoàn trong những trận đánh tiếp theo. Chiến thắng này làm tôi nhớ đến bài thơ Bác Hồ tặng bộ đội pháo binh tháng 4/1964: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/Thành Đồng trống thắng lay Lầu Trắng/Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.

*

Từ giữa tháng 7/1972, hội nghị bốn bên ở Pa-ri chuẩn bị kỳ đàm phán tiếp theo. Trên mặt trận Thành cổ, Mỹ-ngụy tăng cường nhiều lượt ném bom B52 hủy diệt, ném bom bắn pháo tọa độ vào trận địa chốt của quân giải phóng và huy động lực lượng lớn lính thủy quân lục chiến đồng loạt phản kích vào nhiều trận địa chốt quan trọng. Lúc này, thời tiết ở Quảng Trị mưa nắng thất thường khiến cho cuộc sống chiến đấu của bộ đội ta gặp không ít khó khăn. Khoảng 17 giờ chiều một ngày cuối tháng 7, trời đang rải nắng bỗng những đụn mây đen từ phía Cửa Việt, sân bay Ái Tử phía bắc sông Thạch Hãn ùn ùn kéo đến. Khẩu đội trưởng cử mấy chiến sĩ kê cao giá để ba-lô trong hầm, khơi thông rãnh thoát nước, che kỹ hầm đạn và nòng pháo, việc chưa xong thì nhận lệnh của tiểu đoàn chuẩn bị phần tử bắn vào khu vực ngã ba Long Quang, nơi ngụy quân lợi dụng mưa to tập trung số lượng lớn xe tăng, xe bọc thép nống ra hòng giành lại chốt bộ đội ta đang chặn giữ.

Hai khẩu đội pháo cối 120 ly sau mấy quả đạn thăm dò đã bao bọc mục tiêu được lệnh bắn cấp tập. Mỗi phút lại có 6 quả đạn cối hướng về mục tiêu lao tới và các chiến sĩ bộ binh lại reo lên: “Hoan hô pháo binh bắn cháy xe tăng địch”. Kết thúc một đợt tấn công của địch mà mưa vẫn ào ào không ngớt. Cả khẩu đội quần áo sũng nước, giày bê bết bùn đất. Người khơi thông rãnh thoát nước không để ngập bàn đế, người lau chùi đạn… cho trận đánh tiếp theo.

Khoảng 10 phút sau, địch lại liều lĩnh hò hét xông lên. Tiểu đoàn trưởng lệnh tăng thêm liều phóng vì đã bị ẩm, nếu không, đạn có thể rơi vào chốt của bộ đội ta. Sau ba đợt bắn chặn tiêu diệt địch, trận địa tiếp tục được củng cố. Hơn 19 giờ, anh nuôi mang cơm canh lên. Một chiến sĩ vừa ra đỡ vào hầm thì một quả pháo của địch bắn vào trận địa hất tung hai người ra xa, cơm canh lẫn với máu văng đổ tung tóe. Bình thường, đôi tai thính nhạy của lính pháo dễ dàng phát hiện ra tiếng cắt gió của quả đạn nhưng lúc ấy mưa to nên khó phát hiện. Anh em đưa hai chiến sĩ vào hầm để y tá cứu chữa rồi tiếp tục đánh lui hai đợt nữa thì địch mới chịu rút. Lúc ấy đã gần 21 giờ.

*

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/1972, địch tìm cách sang bến vượt bờ bắc sông Thạch Hãn lập chốt đầu cầu hòng chặn đường bổ sung quân và vũ khí của bộ đội ta cho mặt trận Thành cổ. Bộ chỉ huy mặt trận yêu cầu các đơn vị luôn cảnh giác sẵn sàng phá tan âm mưu của chúng. Một đêm không gian yên ắng, không có pháo cầm canh, bom tọa độ… mà chỉ nhạt nhòe ánh pháo sáng ở hai bên sông. Tiểu đoàn cử trinh sát Hảo và Đại đi dọc bờ sông kiểm tra nắm tình hình. Bỗng Đại giật tay Hảo và chỉ vào lùm cây đang di động bên mép nước cùng những ánh đèn nhỏ xíu như đom đóm lập lòe đang liên lạc với nhau. Hai trinh sát trao đổi nhanh rồi Đại ở lại tiếp tục theo dõi, Hảo chạy về báo cho đơn vị nhưng mới dời được một đoạn thì một quả đạn lựu pháo 105 của địch nổ gần làm anh hy sinh tại chỗ.

Biết bạn đã hy sinh, Đại chạy vội về cho kịp. Do nắm chắc tọa độ của các mục tiêu trong Thành cổ cũng như phần tử bắn của các vị trí hai bờ sông nên nhận lệnh của tiểu đoàn là hai khẩu pháo cối kịp thời nhả đạn. Cùng với hai khẩu cối 120 ly, 4 khẩu cối 82 ly của tiểu đoàn còn có lựu pháo 105 ly, ca-nông 85 ly từ các hướng đồng loạt bắn đến khu vực địch vượt sông. Tờ mờ sáng, trận chiến đấu kết thúc. Hai đại đội thủy quân lục chiến ngụy hoặc bị tiêu diệt, hoặc phải rút chạy. Những xác thuyền cao-su tả tơi dập dềnh bên mép nước cùng điện đài, mấy khẩu cối cá nhân M79 và hàng chục khẩu tiểu liên cực nhanh AR15… vứt chỏng trơ trên bờ cát.

Hiệp định Pa-ri được ký kết, tiểu đoàn 14 pháo hỏa lực lại cùng đội hình sư đoàn tham gia chiến dịch mùa xuân 1975 rồi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

50 năm sau, anh em chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn pháo hỏa lực tề tựu tại nghĩa trang liệt sĩ nơi yên nghỉ của đồng đội, nhấm nháp vị mưa cuối hạ năm nào và thăm chiến trường Thành cổ Quảng Trị một thời hoa lửa…