Theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, 12 dự án thành phần này có tổng chiều dài tuyến chính 723,7km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (gần 261km), Quảng Ngãi - Nha Trang (hơn 352km) và Cần Thơ - Cà Mau (gần 111km); sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147 nghìn tỷ đồng.
Sàng lọc nhà thầu đủ năng lực
Tại cuộc họp giao ban tháng 11/2022 vào sáng 30/11, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức cho biết, thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ đã thường xuyên, liên tục thị sát, kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương và bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án cao tốc bắc-nam và một số dự án trọng điểm khác; quyết tâm hoàn thành, thông xe kỹ thuật bốn dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn I trong năm 2022 đúng kế hoạch. Đối với dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II, đến nay, các đơn vị chức năng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; hoàn thành thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang thực hiện các thủ lục lựa chọn nhà thầu đối với 12 gói thầu đầu tiên khởi công trong năm 2022.
Theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km, tổng vốn đầu tư 20.400 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 là đại diện chủ đầu tư. Dự án được chia thành ba gói thầu (gói lớn nhất là XL-3, trị giá 6.400 tỷ đồng, gói thầu XL-2 trị giá 4.500 tỷ đồng và gói thầu XL-1 khoảng 3.800 tỷ đồng), đã bao gồm chi phí phục vụ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, xây lắp. Trong số ba gói thầu trên, Ban Quản lý dự án 2 đã chọn gói thầu XL-1 dài 30km (từ Km0-Km30) là gói thầu khởi công đầu tiên và thời hạn chót tiếp nhận đơn xin tham gia thi công của các nhà thầu trước
9 giờ ngày 26/11/2022. “Trước thời hạn chót, Ban Quản lý dự án 2 đã nhận được đơn xin được chỉ định thầu của khá nhiều doanh nghiệp xây dựng có tên tuổi trong nước dưới hình thức nhà thầu độc lập và liên danh. Chúng tôi sẽ tiến hành sàng lọc, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, muộn nhất đến ngày 20/12 tới đây sẽ hoàn tất lựa chọn nhà thầu, để trước ngày 31/12 sẽ khởi công gói thầu XL-1”, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho hay. Về công tác giải phóng mặt bằng dự án, ông Lê Thắng cho biết, thời điểm này, hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đã bàn giao được 70% mặt bằng theo đúng kế hoạch, đủ điều kiện khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Ngày 22/11 vừa qua, khi vừa phát hành thông tin hai gói thầu khởi công đầu tiên của dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng, chỉ sau vài ngày, Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư hai dự án) đã liên tiếp nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu/liên danh nhà thầu. Trên cơ sở hồ sơ năng lực nhà thầu gửi đến, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang triển khai đánh giá sơ bộ, xét chọn những nhà thầu đáp ứng năng lực để trao hồ sơ yêu cầu trong cuối tháng 11/2022, muộn nhất sang đầu tháng 12 để nhà thầu làm hồ sơ đề xuất. Sau quá trình đánh giá, thương thảo, thẩm định, dự kiến gói thầu đầu tiên của hai dự án thành phần sẽ được khởi công từ ngày 25 đến 31/12/2022.
Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Định An cho biết, tại dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn I, Tập đoàn tham gia ở nhiều gói thầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, “bão giá” vật liệu và thời tiết bất thuận, song các gói thầu do Định An triển khai đều đạt và vượt tiến độ. Tại dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II, với kinh nghiệm và năng lực thi công sẵn có, Định An đã gửi thư quan tâm tới các ban quản lý dự án giao thông, đề xuất tham gia tại một số gói thầu. “Ngành nghề cốt lõi của Định An là hoạt động xây lắp các công trình giao thông, hạ tầng, tập đoàn xác định vẫn tiếp tục lao vào cuộc trong giai đoạn II này. Chúng tôi có niềm tin Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sẽ có những cơ chế đặc thù, hỗ trợ nhà thầu thi công đạt và vượt tiến độ, với chất lượng tốt nhất”. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, hiện tại, 12 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; đến ngày 22/12 tới sẽ hoàn thành thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; trước ngày 25/12 hoàn thành ký hợp đồng gói thầu xây lắp đầu tiên, dự kiến khởi công gói thầu xây dựng đầu tiên từ ngày 26/12. Đối với 13/25 gói thầu còn lại, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu việc thẩm định thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu phải hoàn thành trước ngày 15/1/2023, bảo đảm đủ điều kiện khởi công trong quý I/2023.
Tập đoàn Đèo Cả thi công hầm Thung Thi trên cao tốc bắc-nam. |
Chống tiêu cực, lợi ích nhóm
Mới đây, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư dự án quán triệt thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bảo đảm lựa chọn nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; quá trình thực hiện cần công khai, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định. Các ban quản lý dự án trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu cần tuân thủ quy định Luật Đấu thầu và các quy định khác liên quan; trong đó, lựa chọn nhân sự có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và đủ điều kiện để thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu; nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và các hành vi bị cấm khác trong đấu thầu. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu phải khách quan, công khai, minh bạch; việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cần trung thực, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được duyệt,... Giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Giao thông vận tải trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; xác định nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu; hoàn thiện, ký hợp đồng bảo đảm tiến độ khởi công các gói thầu xây lắp đầu tiên các dự án thành phần trong tháng 12/2022.
Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định chặt chẽ về trách nhiệm nhà thầu, trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng đối với nhà thầu liên danh; quy định cụ thể về việc quản lý chất lượng, tiến độ, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng. “Riêng đối với hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp, cần quy định trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh, quy định về việc mở tài khoản chuyên chi để quản lý chặt chẽ tiền tạm ứng, thanh toán hợp đồng bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng phục vụ gói thầu; quy định chi tiết các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá bảo đảm phù hợp quy định, phù hợp nguồn chỉ số giá do địa phương công bố,...”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý.
Để lựa chọn nhà thầu có năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra hàng loạt các tiêu chí lựa chọn và giới hạn số lượng nhà thầu tham gia tương ứng quy mô gói thầu. Theo đó, một gói thầu trị giá từ 3.000 tỷ đồng trở lên đã có thể lọc được ra nhà thầu lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công và tránh được tình trạng manh mún trong phân chia thầu. Trường hợp liên danh tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận, đồng thời có các chế tài xử lý đúng quy định theo hợp đồng đã ký. Ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nhận định, giá dự toán phải được tính đúng, tính đủ, trên cơ sở công bố giá và chỉ số giá xây dựng của địa phương cần được cập nhật chính xác, bám sát thực tiễn. Trường hợp chỉ số giá phát sinh bất cập, Bộ Giao thông vận tải cần làm việc với địa phương để tháo gỡ ngay, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà thầu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cũng khẳng định, việc chỉ định thầu các dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II không chỉ giúp rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, đáp ứng tiến độ gấp rút theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, mà còn đem lại nhiều thuận lợi cho nhà thầu tham gia, nhất là những vướng mắc phát sinh trong quá trình khai thác mỏ vật liệu đất đắp. Theo đó, Ban Quản lý dự án đã thỏa thuận, đăng ký với địa phương các vị trí nguồn mỏ vật liệu đất cụ thể, các mỏ đều được khảo sát ở gần khu vực tuyến, tối ưu về cự ly. Trường hợp sau này nhà thầu được giao mỏ, quá trình khai thác không đạt chất lượng hoặc trữ lượng để phục vụ thi công, Ban sẽ xem xét, điều chỉnh đơn giá, chi phí khai thác theo khoảng cách, cự ly thực tế cho nhà thầu.