Lo lắng suất học lớp 10 công lập
Năm ngoái, với 33,25 điểm, con gái chị Nguyễn Hoài Thu (phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, Hà Nội) trượt cả ba nguyện vọng vào THPT Xuân Đỉnh (điểm chuẩn 39,75), THPT Tây Hồ (điểm chuẩn 36,25) và THPT Thượng Cát (điểm chuẩn 34,25). Như vậy, chỉ thiếu 1 điểm, con chị đã để rớt “tấm vé” vào lớp 10 trường THPT công lập. “Vợ chồng tôi đều làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, chồng tôi lại bị bệnh mãn tính, quanh năm thuốc thang. Nhà có ba đứa con đang độ tuổi ăn học nên nguyện vọng duy nhất của gia đình là các con được học trong trường công lập để giảm bớt gánh nặng về tài chính”, chị tâm sự.
Với gia đình chị Thu, mức học phí trung bình từ 8-10 triệu đồng ở các trường THPT tư thục là không bao giờ dám nghĩ tới. Còn với hệ giáo dục thường xuyên hay học nghề, thực tế, anh chị lại không am hiểu tận tường. “Cuối cùng, vợ chồng tôi quyết định cho con đi học nghề. Cháu theo học nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với học phí phải chăng, ra trường cháu vẫn có bằng THPT lại có bằng nghề để có thể làm việc ngay, phụ giúp bố mẹ”, chị Thu chia sẻ.
Trường hợp của con gái chị Thu chỉ là một trong nhiều gia đình lao động tự do hay công nhân khác không đủ tài chính cho con học trường tư. Năm nay, theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, số lượng tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72 nghìn học sinh (đã tăng 1.000 so năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%. Như vậy, khoảng hơn 30 nghìn em sẽ không có cơ hội vào học tại các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Nếu không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS có thể dự tuyển vào trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30 nghìn học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%. Sở GD&ĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 95 trường THPT tư thục. Các trường này sẽ tuyển mới 614 lớp và 26.829 học sinh. Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10 nghìn học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên liên kết các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT) khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.
Đến kỳ thi, áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành Hà Nội như đè nặng hơn lên của học sinh, phụ huynh. Chị Nguyễn Thúy Hòa (quận Đống Đa) chia sẻ, trước thông tin số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp kỷ lục, gia đình chị khó khăn hơn khi quyết định chọn cho con đăng ký nguyện vọng là Trường THPT Kim Liên và Trường THPT Đống Đa. Bởi đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc tốp cao của quận. “Con cũng thuộc diện học tốt nhưng sau khi nghe thông tin lượng thí sinh tăng vọt so năm ngoái, tôi thêm phần lo lắng”, chị Hòa nói trong lo âu.
![]() |
Kỳ thi vào lớp 10 được đánh giá là khó khăn vì tỷ lệ chọi cao. Ảnh: TTXVN |
Tỷ lệ chọi cao bất thường
Vợ chồng anh Lê Thành Nam (quận Thanh Xuân) cũng đau đầu suốt mấy tháng nay chỉ vì chuyện chọn trường cho con. Áp lực cao cũng ảnh hưởng đến những tính toán việc chọn trường năm nay của con chị. “Sợ rớt tấm vé công lập, con và gia đình sẽ phải rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Chúng tôi rất lo lắng vì ở lứa tuổi 15, con chưa đủ khả năng để vào đời. Còn nếu vào trường tốt, thì cạnh tranh lại cao, lực học của con vừa phải. Vì vậy, chúng tôi cũng đang rất cân nhắc hay chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn chút so với trường kỳ vọng cho an toàn”.
Thế nhưng, thực tế việc chọn trường có mức điểm chuẩn thấp so mọi năm chưa phải là sự an toàn. Năm nay, kỳ tuyển sinh vào 10 tại Hà Nội có nhiều điểm đặc biệt. Theo đó, tỷ lệ chọi trung bình là 1 chọi 1,85 (cao nhất trong ba năm qua). Năm ngoái tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập trung bình 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Trường THPT Khương Hạ có tỷ lệ chọi cao nhất thành phố (cao hơn vào các trường chuyên) với 1/3,55, tiếp đến THPT Kim Liên tỷ lệ 1 chọi 2,64, THPT Nguyễn Văn Cừ tỷ lệ 1 chọi 2,51. Năm nay, hai trường THPT Khương Hạ và THPT Trung Văn bất ngờ có tỷ lệ chọi cao, lọt vào tốp 10.
Khương Hạ là trường liên cấp tiểu học - THCS - THPT mới bước sang mùa tuyển sinh thứ ba, điểm chuẩn của năm 2022 là hơn 34 điểm. Năm nay, có tới 995 hồ sơ nguyện vọng 1. Em Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Em tưởng trường Khương Hạ năm nay an toàn nhất cuối cùng lại “nóng” nhất. Khi biết tỷ lệ chọi của trường Khương Hạ cao như thế em khá là sốc và lo lắng vì không biết có vừa với sức lực của mình hay không?”. Cô giáo Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường liên cấp Khương Hạ, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Tỷ lệ chọi cao như thế chưa hẳn điểm chuẩn đầu vào cũng sẽ cao. Tôi nghĩ rằng, điểm đầu vào của trường chúng tôi có thể sẽ được nâng lên dần và chúng tôi cũng kỳ vọng điểm tuyển sinh của trường năm nay sẽ tăng lên 1-2 điểm”.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tỷ lệ chọi cao liệu có dẫn đến việc điểm chuẩn cao hơn không, các thầy, cô giáo có kinh nghiệm chia sẻ rằng, không có căn cứ nào về việc tỷ lệ chọi cao thì điểm thi cao và điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn trúng tuyển từng năm phụ thuộc nhiều yếu tố, như: Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, chỉ tiêu, đề thi, lực học của học sinh… Tỷ lệ chọi chỉ là một trong những thông tin để thí sinh tham khảo, biết rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường đó, trong năm học đó. Thực tế, tỷ lệ chọi thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp, bởi có thể những thí sinh đăng ký đều là những em học xuất sắc.
Ở chiều ngược lại, 10 trường THPT có tỷ lệ chọi thấp nhất Hà Nội thì có tới 9 trường có số học sinh đăng ký thấp hơn cả chỉ tiêu. Tại Trường THPT Sơn Đà, huyện Ba Vì, gần 130 học sinh cuối cấp đều đăng ký vào trường THPT Bất Bạt. Tỷ lệ đỗ của năm 2022 là hơn 90%. Em Hoàng Tuấn Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Sơn Đà, Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: “Trường THPT ở đây không cạnh tranh gay gắt như các trường dưới trung tâm Hà Nội nên kỳ thi với chúng em khá dễ dàng, không chịu nhiều áp lực. Chúng em chủ yếu học trong sách giáo khoa và ôn bài được học ở trên lớp, chứ ít bạn phải đi học thêm tối ngày”.
Năm ngoái, dù hạ điểm chuẩn nguyện vọng 2 bằng với mức điểm sàn nhưng Trường THPT Bất Bạt, Ba Vì vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Phan Lạc Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đã giảm xuống một lớp nên có khả năng tăng điểm chuẩn và tuyển đủ chỉ tiêu là khả quan hơn rất nhiều”. Ông Nguyễn Ngọc Viện, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đà, Ba Vì nhận xét: Các em ở khu vực Ba Vì nói chung và Trường THCS Sơn Đà nói riêng có nhiều lựa chọn vào lớp 10 công lập hơn các em học sinh ở khu vực trung tâm thành phố vì mật độ dân cư thưa hơn mà tỷ lệ trường THPT cũng nhiều hơn…”.
![]() |
Học sinh Trường THCS Hoàng Mai được định hướng nghề qua môn học STEM. Ảnh: THẾ PHONG |
Nhiều ngã rẽ dẫn lối thành công
Trước băn khoăn về việc tại sao năm nay Hà Nội không cho phép đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi công bố tỷ lệ chọi như nhiều năm trước, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp đặc thù của Thủ đô, Sở đã chia các trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh.
Đồng thời với việc phân chia khu vực tuyển sinh, Sở quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào trường công lập không chuyên trong đó nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định. Sở cũng cho phép thí sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.
Ngoài việc lựa chọn nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, học sinh được quyền đăng ký dự thi vào các trường chuyên (hai nguyện vọng) hoặc có thể dự tuyển vào trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Sở cũng đã bố trí một khoảng thời gian dài (gần một tháng) cho học sinh nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng (từ ngày 31/3 đến 24/4/2023).
Một câu hỏi được nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh có con thi vào lớp 10 đặt ra là tại sao các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại “nhỏ giọt” tỷ lệ chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, sao thành phố không xây thêm trường lớp để tất cả học sinh đều được vào công lập?
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc “siết” chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn chịu tác động từ nhiều chính sách liên quan đến phân luồng học THPT, đặc biệt là bậc THCS. Đáng chú ý là Chỉ thị số 10-CT/TƯ, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác.
Đại diện Phòng Giáo dục thường xuyên - Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Học phí thấp, số môn học ít hơn và thời khóa biểu hợp lý hơn; trong quá trình học được hướng nghiệp và dạy nghề… là những ưu điểm của hệ Giáo dục thường xuyên. Trong khi đó vẫn bảo đảm cùng một đầu ra với học giáo dục phổ thông. Nhiều năm nay, bằng tốt nghiệp THPT là như nhau, không phân biệt như trước đây nữa. Tôi cho rằng đó là một lựa chọn khá thông minh để vào đời. Thậm chí, nhiều học sinh có học lực giỏi cũng chủ động chuyển qua đây để tập trung ôn thi đại học và thực tế là các em đậu rất cao”.
Còn theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hệ 9+ cao đẳng nghề dành cho học sinh tốt nghiệp THCS là hệ đào tạo song song văn hóa và chuyên môn để 3,5-4 năm (18,5-19 tuổi) học sinh có hai bằng: Cao đẳng chính quy và THPT quốc gia. Đây là mô hình mà tại nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã triển khai rất mạnh. Mô hình này được áp dụng rộng rãi và rất thành công trong việc tận dụng thời gian, tiết kiệm chi phí học và cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc sớm hơn.
Để tiếp tục lộ trình học vấn, học sinh tốt nghiệp tại các trường cao đẳng nghề có thể tiếp tục học liên thông lên các trường đại học chính quy khác trong 1,5 năm. Như vậy, nếu học sinh tốt nghiệp lớp 9 tương đương 15 tuổi, bắt đầu học hệ 9 + cao đẳng thì có thể tốt nghiệp cao đẳng chính quy ở 18,5 tuổi và tốt nghiệp đại học chính quy ở 20 tuổi, sớm hơn hai năm so với hướng học thông thường.
Tại Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, trong đợt tốt nghiệp hệ Cao đẳng Khóa 10 (2019-2022), TS Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nhưng đến nay vẫn có trên 80% sinh viên đã có việc làm trước khi tốt nghiệp. Trong đó nhiều ngành nghề 100% sinh viên có việc làm như: Chăm sóc sắc đẹp, Thiết kế tóc, Công nghệ hàn, Chế tạo thiết bị cơ khí, Thiết kế đồ họa. Ngành Sửa chữa máy tính, số sinh viên tìm được việc làm chiếm 95%, Điện công nghiệp: 85%, Công nghệ ô-tô: 80%.
Được biết, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để sau này làm việc tại doanh nghiệp, được hỗ trợ học phí và các khoản sinh hoạt, thậm chí được trả lương. Như các tập đoàn, Công ty: Hanwha, Agrimeco, PMC-VNPT, Carehom…
Thực tế cho thấy, mặc dù chủ trương phân luồng học sinh, đặc biệt là đưa học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, sớm tham gia vào thị trường lao động là xu hướng phù hợp song thực tế cho thấy, trong khi cuộc đua vào lớp 10 công lập luôn căng thẳng, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tương đối vắng vẻ. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em đi theo con đường đã được lập trình sẵn như vào trường THPT công lập, rồi vào đại học. Đây chính là một trong những rào cản khiến cho việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS gặp khó khăn.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên chủ nhiệm khối 9 tại Hà Nội, có những thí sinh sau khi phân tích năng lực thực tế, nhà trường định hướng đưa các em vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu nhưng cả học sinh và gia đình đều bày tỏ nguyện vọng xin được làm hồ sơ thi vào THPT bằng mọi giá. Trong khi đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có những trường nghề uy tín, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. Thậm chí, có trường còn bảo đảm việc làm cho các em, hoặc học sinh có thể học lên cao đẳng, đại học, rút ngắn thời gian hơn so việc học THPT rồi vào đại học, cao đẳng.
Nhiều chuyên gia giáo dục chia sẻ, có rất nhiều ngã rẽ sau THCS, hệ thống giáo dục đa dạng là để người học lựa chọn. Ở mỗi loại hình đều có ưu - nhược điểm, phù hợp cho từng đối tượng phát triển. Nếu để học tiếp văn hóa, các em có thể học trường ngoài công lập; nếu muốn học văn hóa nhưng học ít môn thì vào giáo dục thường xuyên; nếu thấy không hứng thú với học văn hóa thì có thể học nghề… Vấn đề là cha mẹ và học sinh phải xác định mình là ai và cần gì?