CHUYÊN ĐỀ: “NGƯỜI TRẺ KỂ CHUYỆN HY SINH”

Lòng biết ơn của thế hệ không trải qua cuộc chiến

Đề tài thương binh, liệt sĩ trong các mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính đã và đang được tiếp nối sáng tạo, giàu xúc cảm, có nhiều liên hệ với đời sống xã hội thời hậu chiến, với bối cảnh đương đại. Thể hiện điều đó một cách tích cực và đầy trách nhiệm là thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành sau chiến tranh, sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Đây là điều đáng quý nhưng cũng phải nhận thấy có nhiều thách thức, đòi hỏi sâu xa đối với lớp người mới khi dùng văn học nghệ thuật tri ân sự cống hiến và hy sinh. Làm sao để nhiệt huyết và những tìm tòi, thể nghiệm mới nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực?
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Gặp gỡ” của họa sĩ Nông Tiến Dũng.
Tác phẩm “Gặp gỡ” của họa sĩ Nông Tiến Dũng.

Bằng tình yêu Tổ quốc, lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh đã cống hiến cho độc lập dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau vẫn có những sáng tác nghệ thuật giá trị về mảng đề tài này. Các tác phẩm từ điện ảnh, âm nhạc, thơ văn cho đến hội họa đã truyền tải nhiều thông điệp để thế hệ sau không được phép lãng quên những ký ức bi hùng cũng như giá trị của hòa bình trong thực tại.

1/Đối với lứa nghệ sĩ lứa 7x, 8x trở lại, âm hưởng các cuộc chiến tranh “chạm” vào họ từ những ký ức, lòng tự hào và cả nỗi đau của ông cha. Bởi thế các sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ qua góc nhìn, cách kể của họ chất chứa nhiều xúc cảm hậu chiến.

Ở mảng điện ảnh, việc tri ân những hy sinh cao cả vì đất nước trong các tác phẩm của thế hệ sau là những gợi dẫn thú vị, mang tới không khí mới cho dòng phim vốn quen thuộc với các cảnh chiến đấu, hy sinh ác liệt. Có thể kể đến một số bộ phim như “Những người viết huyền thoại”, “Người trở về”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”… Cách kể mới, gần gũi, giàu cảm xúc, các bộ phim này đã chiếm được sự yêu mến của công chúng.

Các sáng tác của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ ở đề tài này là những tình cảm nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát. Như tổ khúc “Làng bên sông” của nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng. Đến nay, không ít người trẻ đều thuộc lòng bài hát “Lá cờ” của nhạc sĩ, ca sĩ sinh năm 1988 - Tạ Quang Thắng. Âm hưởng chiến tranh trong tác phẩm âm nhạc này không đầy ắp khí thế, rực lửa hào hùng mà đó là những lời tâm sự chất chứa lòng tự hào, biết ơn: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc Nam/Chẳng biết chiến tranh là gì/Chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha… Để rồi nay bước trên con đường đời/Dù bao gian khó chông gai đời tôi/Đứng dưới bóng cờ là con tim ngân lên tiếng ca/Đoàn quân Việt Nam đi…”.

Văn chương về đề tài thương binh, liệt sĩ có các nhà văn thế hệ 8x như Thương Hà, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Thị Tú Ngọc… cả tác giả 9x như Lê Quang Trạng, Huỳnh Trọng Khang. Đề tài này được các tác giả “nhìn” rộng, đa chiều… và gắn với bối cảnh cuộc sống đương đại hơn. Các câu chuyện được kể khá sinh động từ những hình dung đầy suy tư, xúc cảm qua những hậu quả, ký ức thời hậu chiến.

Trong quá trình nghiên cứu sâu các tư liệu về chiến tranh cách mạng, Dũng chỉ nghĩ rằng, mình mà không vẽ đề tài này thì về sau rất ít người vẽ nó. Bởi thực tế, ít sinh viên mỹ thuật ra trường quan tâm đến đề tài chiến tranh, lịch sử…, đó là điều anh thấy rất tiếc.

2/Năm 2014, tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh “Con đường huyết mạch” của họa sĩ Nông Tiến Dũng (sinh năm 1982), giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá cao và đạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực I và Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Giải thưởng cũng là bước ngoặt trong việc định hình phong cách hội họa của anh. Họa sĩ Nông Tiến Dũng chia sẻ, bố mẹ tôi đều là bộ đội, nên tôi gắn bó với môi trường quân ngũ từ nhỏ. Để rồi dần dần cuộc sống quân ngũ ngấm một cách rất tự nhiên vào tư duy, tiềm ẩn trong tiềm thức của tôi. Trong quá trình học mỹ thuật, cứ động đến đề tài chiến tranh cách mạng, tôi lại thấy nó rất hấp dẫn, lôi cuốn với cảm giác gần gũi một cách kỳ lạ.

Họa sĩ Nông Tiến Dũng nhìn nhận lại lịch sử bằng một tinh thần khác, tinh thần của những người trẻ nhìn về chiến tranh, với tư tưởng xuyên suốt là tấm lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những thương bệnh binh. Anh bộc bạch: Tôi để yếu tố lịch sử trong tranh với mục đích tri ân các anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc chiến. Cũng không hiểu vì sao, trong quá trình vẽ một thời gian dài nhiều lúc tôi luôn nghĩ mình là một chiến sĩ đang hồi tưởng lại cuộc chiến từ một nơi nào đó rất xa. Như tác phẩm “Gặp gỡ”, họa sĩ “kể” về cuộc hội ngộ của những đồng đội, người còn sống, người đã hy sinh trong một bức tranh. Đó là cuộc tìm kiếm liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường xưa của các cựu chiến binh, mà hình hài hiện hữu chỉ còn là những mảnh vụn của cuộc chiến, tấm nylon đã mủn rách, chiếc ca nhôm, bi-đông nước… Nhưng đồng đội xưa vẫn ở cả đó, họ là những khoảng trắng bập bùng, súng khoác vai, đứng chung quanh hai cựu binh già đang run rẩy xúc động trước những kỷ vật của bạn mình. Và vẫn với tinh thần đó được thể hiện thành công ở các tác phẩm như “Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc”, “Chuyến đò đêm”…, tất cả như lòng tri ân của họa sĩ Nông Tiến Dũng đối với những người đã không tiếc xương máu của mình cho đất nước. Bên cạnh đó, cũng là lời nhắc nhớ của anh cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiện tại, họa sĩ Nông Tiến Dũng đang tập trung thực hiện các tác phẩm về đề tài này cho cuộc triển lãm cá nhân sẽ ra mắt đúng dịp kỷ niệm trong năm 2025.

Chiến tranh, sự hy sinh, những nỗi đau… đã đi qua khá lâu, nhưng nếu thế hệ sau biết trân trọng bằng nhận thức trách nhiệm và lòng tri ân thì những âm hưởng của nó sẽ vẫn vang vọng mãi trong lòng dân tộc.