Lời giải khả thi cho rác nông thôn

Sau nhiều năm tâm huyết nghiên cứu và thử nghiệm, chuyên gia môi trường Nguyễn Ngọc Việt (71 tuổi), Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ đã có cách tiếp cận và giải pháp cho việc xử lý tuần hoàn, khép kín chất thải hữu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Hợp tác xã Thành Công tham quan mô hình xử lý rác thải hữu cơ của ông Việt.
Đại diện Hợp tác xã Thành Công tham quan mô hình xử lý rác thải hữu cơ của ông Việt.

Tư duy đúng và đủ về môi trường nông thôn

Nói đến rác thải nông thôn, người ta thường nghĩ tới rác thải sinh hoạt. Nhưng thực tế, rác thải nông nghiệp về khối lượng ít nhất cũng gấp năm đến bảy lần rác thải sinh hoạt. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt, rác thải ở nông thôn hiện nay còn có từ nhiều nguồn khác như chăn nuôi, sản xuất chế biến, phụ phẩm nông sản… Những loại rác thải này cũng cần được thu gom, phân loại, tái chế và xử lý chứ không thể thực hiện theo kiểu cũ lạc hậu là thu gom rồi chất đống lại một chỗ.

Thói quen phân loại rác ở nước ta có từ rất lâu, thậm chí đã thành tập quán. Thí dụ trong gia đình, những phế phẩm nông sản hay được cho lợn, gà hoặc rác không mùi, có thể tái chế như vỏ lon, bìa carton thường được xếp riêng để bán. Rác khi ra tới ngõ sẽ được đội ngũ đông đảo những người nhặt ve chai thu gom, tiếp theo là các công nhân vệ sinh xử lý và cuối cùng là lượng lớn người chuyên bới rác ở các bãi phế thải tập trung. Rõ ràng việc phân loại và tái chế này đem lại lợi ích rất lớn cho họ, nhưng điều cần thiết là xây dựng những mô hình hợp lý và hiệu quả, giúp tái định hướng tập quán trên, đem lại thêm cả lợi ích kinh tế, xã hội cho môi trường.

Hiện nay, nhiều địa phương quan tâm vấn đề phân loại rác. Như vậy là đúng nhưng chưa đủ, bởi sau khi phân loại rác còn cần cả điều kiện, biện pháp xử lý và tái chế, tiêu thụ sản phẩm sau tái chế.

Với chuyên môn nhiều năm nghiên cứu nông nghiệp và môi trường, ông Việt đã tự bỏ công sức, tiền của và thời gian xây dựng và thử nghiệm mô hình mới để chứng minh bằng kết quả thực tế. Mô hình này xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và chất thải chăn nuôi theo hướng “bốn tại chỗ”, bao gồm doanh nghiệp tại chỗ, phân loại tại chỗ, tái chế tại chỗ, sử dụng sản phẩm sau tái chế tại chỗ. Ước tính nếu theo phương pháp này, hơn 70% rác thải nông thôn sẽ biến thành sản phẩm có giá trị.

Công nghệ phù hợp đem tới sự cân bằng

Tại nhà máy xử lý rác Lương Sơn (Hòa Bình), điều khiến phóng viên Thời Nay ngạc nhiên là khi bước vào khu xử lý tập trung làm mẫu, không hề thấy ruồi nhặng, hay ngửi thấy mùi hôi thối. Mấu chốt quan trọng nhất của mô hình này nằm ở việc phân loại và xử lý sơ chế chất thải hữu cơ tại nguồn. Với rác thải hữu cơ, có ba vấn đề lớn nhất chính là mùi hôi thối khi phân hủy, dẫn dụ các sinh vật có hại như ruồi nhặng, chuột, bọ và cuối cùng là nước thải. Với lớp đệm sinh học và thùng xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, ba tồn tại này đã được giải quyết triệt để với chi phí hợp lý và hiệu quả nhất.

Trước hết, rác thải sinh hoạt ở nông thôn cần được phân làm ba loại: rác thải hữu cơ dễ phân hủy; rác thải có thể tái chế, tái sử dụng; rác thải có thể đốt hoặc chôn lấp. Việc phân loại này có thể để hộ dân tự nguyện hoặc thuê dịch vụ phân loại (có thu tiền) do doanh nghiệp môi trường đảm nhiệm.

Đối với chất thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy tại hộ hay cụm hộ gia đình sau phân loại, các thùng chứa rác được cải tiến thành thùng xử lý rác thải hữu cơ bên trong có vỉ tách nước rác và một đến hai lõi hình trụ nhằm cấp oxy cho quá trình ủ bằng chế phẩm sinh học. Trước hết ở các chuồng trại, tùy theo đối tượng chăn nuôi và khối lượng, thành phần, tải lượng ô nhiễm phát sinh mà lựa chọn đệm sinh học cho phù hợp. Tại đây, phế thải hữu cơ sau xử lý sơ bộ tại nguồn sẽ được trộn với phụ gia giảm ẩm và chế phẩm sinh học rồi đảo, trộn, nghiền sang thành sinh khối hữu cơ. Chất thải sẽ trở thành nguyên liệu cho phân bón hoặc thức ăn để nuôi giun, ruồi lính đen, người nông dân dễ sử dụng ở mọi địa bàn…

Ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công chia sẻ: “Hiện nay, đơn vị có trách nhiệm thu gom hơn chục tấn rác chợ tại khoảng bốn đến năm quận, huyện, trong đó đa phần là rác thải hữu cơ. Đơn vị vẫn đang sử dụng công nghệ lò đốt, nhưng không phải giải pháp hiệu quả cả về tài chính lẫn công nghệ. Thực tế, xây dựng một cơ sở hiện tại xử lý rác khoảng 100-200 tấn, kinh phí vào khoảng 100-200 tỷ đồng, còn nhà máy công nghệ cao 500 tấn cần tới 1.000-1.200 tỷ đồng, một yêu cầu vô cùng khó khăn. Bởi vậy, xử lý rác hữu cơ hứa hẹn là phương pháp “cứu cánh” hiệu quả cho doanh nghiệp trong tương lai”.

Giống như cây cối trong rừng, không cần bón phân vẫn luôn tươi tốt, đó là bởi hệ sinh thái tại đó luôn cân bằng. Bởi vậy, việc sử dụng công nghệ sinh học, được coi là công nghệ lõi và bền vững, như sản xuất sinh khối hữu cơ từ phế thải hữu cơ và sử dụng chế phẩm sinh học không chỉ từng bước tạo lập sự cân bằng mới cho môi trường nông thôn mà còn đi đúng tiêu chí quan trọng của kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên trung tâm.