Áp lực lớn dần
Kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2022 tăng 5,03% so cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020.
Cùng với quá trình phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện cũng gia tăng ở cả khu vực sản xuất, kinh doanh lẫn đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, việc bảo đảm nguồn cung ứng điện thời gian tới được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu ý kiến tại một hội thảo về đầu tư vào ngành điện diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, tăng trưởng nguồn điện của Việt Nam đạt 12,9%/năm, tăng trưởng phụ tải 10%/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn điện. Song, tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ vẫn diễn ra: Vào mùa khô ở miền bắc thường bị thiếu điện, việc hỗ trợ kéo điện từ miền trung và miền nam bị giới hạn bởi truyền tải.
Nói về lý do thiếu điện cục bộ ở miền bắc, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thông tin, tổng công suất phát điện của Việt Nam hiện nay khoảng 77.000 MW, từ đầu năm đến nay về cơ bản đáp ứng đủ cung cầu. Tuy nhiên, dù công suất đủ lớn nhưng việc vận hành lại rất đặc thù dẫn đến suy giảm công suất vào mùa khô do hệ thống nhiệt của các nhà máy suy giảm, thủy điện giảm sản lượng. Trong tổng công suất 77.000 MW thì có đến 16.000 MW là điện mặt trời, chỉ phát ban ngày đến 13 giờ, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân thường cao nhất vào lúc 18-19 giờ. Ngoài ra, điện gió hiện chỉ đóng góp khoảng 350-400 MW mặc dù công suất lắp đặt là 4.000 MW…
“Mỗi năm, nhu cầu tăng trưởng phụ tải cho nhu cầu điện là 4.000-5.000 MW. Theo số liệu, nguồn cung trong các năm tới tăng khoảng 2.500-4.000 MW, thiếu hụt 1.000-1.500 MW, đặc biệt ở miền bắc” ông Trung nói.
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển năm 2022, chỉ tiêu điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia là 276 tỷ kWh, tăng 7,9%.
Trước áp lực thiếu điện, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đang là vấn đề “nóng”. “Hai năm 2022, 2023 là cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu điện không được đáp ứng thì tốc độ phục hồi kinh tế sẽ bị chậm lại”, Thứ trưởng nói.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước diễn ra sáng 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022 dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% thì tăng trưởng điện năng phải hơn 10%, trong đó riêng miền bắc cần tới 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ. “Nhưng hiện nay chúng ta đang trong thế bị động về năng lượng và đây là bài toán về quy hoạch”, Thủ tướng nói.
Băn khoăn cơ chế vốn và giá
Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2030, có xét đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực là 141,59 tỷ USD, tương ứng khoảng 14,16 tỷ USD mỗi năm. Con số này, theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN thì: “EVN không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế”.
Hiện nay, quy định của Luật Điện lực đã cho phép tư nhân tham gia vào xây dựng lưới điện quốc gia. Tuy vậy, theo một số doanh nghiệp tư nhân đang tham gia đầu tư điện lưới thì vẫn tồn tại một số cơ chế cần được… gỡ vướng.
Ông Lê Như Phước An, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở thời điểm hiện tại tham gia xây dựng lưới điện truyền tải nêu quan điểm, đầu tư cho ngành điện đòi hỏi nguồn vốn lớn song nguồn vốn trong nước lại có chi phí cao, quy định của ngân hàng thương mại trong nước không cho phép vay quá 15% vốn tự có.
Ngoài ra, theo ông An, quy mô thị trường năng lượng của Việt Nam đã đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhưng để bảo đảm khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn lớn dự kiến lên tới 140 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030 và 180 tỷ USD vào giai đoạn 2030-2045, thì cần phải có sự ổn định trong chính sách phát triển thị trường.
Ông An nói rằng, chính sách phát triển thị trường điện hiện nay chưa ổn định về quy hoạch, chính sách giá. Đơn cử, theo các dự thảo về cơ chế giá của Bộ Công thương công bố gần đây, cơ chế giá điện có nhiều điều bất lợi cho nhà đầu tư như việc giá điện tính bằng đồng nội tệ, thay vì USD, sẽ có rủi ro cho nguồn vốn từ nước ngoài; giá điện được xác định đến năm 2025, nhưng sau giai đoạn năm 2025, hình thức đấu giá, đấu thầu được thực hiện ra sao thì nhà đầu tư chưa được biết…
Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T, đơn vị trong tổ hợp nhà đầu tư đang triển khai dự án điện khí LNG Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) với tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng cho biết, rào cản lớn nhất đối với bài toán vốn vay hiện nay nằm ở vấn đề chính sách. “Đây cũng là lý do chính mà hiện tại, Việt Nam chưa có dự án nhà máy điện khí LNG nào được đưa vào hoạt động, mặc dù đã có một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và lập kế hoạch, tiến độ thực hiện”, ông Hà nói.
Theo vị này, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chưa được thông suốt, liên tục và đang bị đứt gãy, gián đoạn như điện mặt trời đã bị chững lại từ sau ngày 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau ngày 1/11/2021.
Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (Luật PPP) quy định bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không có quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp. Nhà máy điện sẽ phải cạnh tranh trên thị trường bán buôn và chỉ được bao tiêu với sản lượng hạn chế từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Điều này đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc huy động vốn khi các nhà tài trợ luôn đòi hỏi phải có bao tiêu sản phẩm với tỷ lệ cao và thời gian đủ lâu từ phía EVN và các cơ quan Chính phủ để bảo đảm hiệu quả tài trợ vốn”, ông Hà cho hay.
PGS, TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực miền Bắc nêu quan điểm, khi nhu cầu điện ngày càng lớn, vốn cho các dự án để đủ điện phục vụ phát triển kinh tế cũng lớn theo. Để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích của doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân.