Libya thúc đẩy tổng tuyển cử sớm

Tại cuộc gặp Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về vấn đề Libya, ông Paul Soller tại Thủ đô Tripoli, Thủ tướng Libya Abdul-Hamed Dbeibah đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức tổng tuyển cử ở nước này sớm nhất có thể để chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Bắc Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Đặc phái viên Abdoulaye Bathily tại một cuộc thảo luận với giới chức Libya tại Tripoli. Ảnh: LIBYAN NEWS AGENCY
Đặc phái viên Abdoulaye Bathily tại một cuộc thảo luận với giới chức Libya tại Tripoli. Ảnh: LIBYAN NEWS AGENCY

Hướng tới hòa giải dân tộc

Theo Văn phòng thông tin của Chính phủ Libya, ông Dbeibah đã nêu bật sự cần thiết phải tổ chức tổng tuyển cử càng sớm, càng tốt theo luật pháp, thống nhất các tổ chức quân sự và đạt hòa giải dân tộc ở Libya. Về phần mình, ông Soller đã bày tỏ sự ủng hộ của Pháp đối với Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) và những nỗ lực của GNU trong việc thúc đẩy tổng tuyển cử.

Libya đã không thể tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12/2021 như dự kiến do bất đồng về luật bầu cử giữa các đảng phái ở nước này. Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi năm 2011 và tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc do bất đồng giữa các phe phái vũ trang miền đông và miền tây từ năm 2014. Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, các phe phái đối địch tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài để giải quyết xung đột.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya, ông Abdoulaye Bathily gần đây đã kêu gọi khôi phục sự ổn định của Libya và khẳng định việc này đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh khu vực. Nếu Libya không có thỏa thuận chính trị toàn diện mở đường cho tiến trình bầu cử hòa bình, đầy đủ và minh bạch, tình hình sẽ ngày càng xấu đi và khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Đặc phái viên LHQ tại Libya nêu rõ tất cả các vấn đề liên quan đến bầu cử ở quốc gia này cần được giải quyết thông qua thảo luận và thỏa hiệp giữa các bên liên quan.

Ông Abdoulaye Bathily nhấn mạnh, các bài học trong 10 năm qua cho thấy, bằng mọi giá Libya phải chấm dứt tình trạng chia rẽ trong chính quyền và ngăn chặn các cuộc xung đột bạo lực. Ông khẳng định hơn bao giờ hết, người dân nước này mong muốn có thể chế chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và xã hội thống nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bản sắc dân tộc. Do đó, theo ông, một chính phủ thống nhất trên cơ sở nhất trí của các bên chủ chốt là động lực đưa đất nước đến tổng các cuộc bầu cử.

Chống khủng bố dưới mọi hình thức

Bất chấp những khó khăn và thách thức hiện tại, chính quyền Libya cam kết chống khủng bố dưới mọi hình thức, truy tố mọi đối tượng liên quan các hành động khủng bố và củng cố sự ổn định trên khắp đất nước. Tuần trước, Chính phủ thống nhất quốc gia Libya tuyên bố bắt giữ một thủ lĩnh của tổ chức khủng bố tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Đối tượng này đã lên kế hoạch và tài trợ cho 3 vụ tấn công tại Thủ đô Tripoli năm 2018. Lợi dụng bất ổn chính trị và an ninh tại Libya kể từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi sụp đổ năm 2011, IS đã thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu trên khắp đất nước cũng như thiết lập các thành trì tại Derna ở miền đông Libya và Sirte ở miền bắc.

Liên minh châu Phi (AU) kêu gọi tất cả các bên liên quan gồm quân đội, các phe phái chính trị và xã hội ở quốc gia Bắc Phi này chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch. Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình lực lượng IS trỗi dậy và mất ổn định tại Thủ đô Tripoli gần đây. Đụng độ bạo lực đã xảy ra tại các khu vực ở thủ đô Tripoli hồi giữa tháng 8 sau khi Chỉ huy Lữ đoàn 444 kiểm soát phần lớn Tripoli bị Lực lượng răn đe đặc biệt (SDF) bắt giữ tại sân bay Mitiga, làm 55 người thiệt mạng và 126 người khác bị thương.

Chủ tịch AU Moussa Faki hối thúc tất cả các bên liên quan nỗ lực hướng tới hòa giải dân tộc, đồng thời tái khẳng định rằng, không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng tại Libya và sự thống nhất, ổn định và vị thế quốc tế trước đây của Libya chỉ có thể lấy lại được bằng các biện pháp hòa bình.